Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung phát triển kinh tế nông thôn, tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của tỉnh giữ mức ổn định. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. 

Cùng với việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, ngành nông nghiệp đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thời vụ; ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả hơn. 

Việc ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, trình độ thâm canh sản xuất của nông dân không ngừng được nâng lên. Từng bước hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và nông dân.

Mô hình chăn nuôi gia cầm của gia đình anh Lê Văn Thanh ở Hải Hậu, Nam Định.

Đến nay, tỉnh đã phát triển được 36 chuỗi liên kết giá trị, góp phần tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân. Kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm bình quân trên mỗi ha đất canh tác (giá so sánh 2010) từ 64,54 triệu đồng/ha năm 2008 lên 120 triệu đồng/ha năm 2021. 

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ngành nông nghiệp tỉnh đã khẳng định vai trò là “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng đạt 3,2%. Mặt khác, sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng dẫn đến sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn, chuyển dịch một số lượng lớn lao động trẻ, có tri thức sang các ngành kinh tế phi nông nghiệp có hiệu quả cao hơn. 

Khoa học công nghệ ngày càng được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của ngành. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã tập trung hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc vào các khâu làm đất, phun thuốc trừ sâu và thu hoạch. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 90%, khâu gieo cấy đạt khoảng 15%.

Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, hầu hết các hộ nuôi theo phương thức quảng canh và bán thâm canh, 100% diện tích nuôi được cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu: đào ao, hồ, nạo vét, cung cấp nước, sục khí, chế biến thức ăn. Ngoài ra, hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ đã hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý phát huy giá trị, lợi thế cho nông sản, nhất là các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương. 

Kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn ngày càng được hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, phát triển nhanh về cả số lượng và chất lượng.

Trong giai đoạn 2010 - 2022, toàn tỉnh đã xây dựng mới và nâng cấp được hầu hết các tuyến đường giao thông quan trọng, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh và giao thông đối ngoại với các tỉnh trong khu vực. Các tuyến đường trục xã, liên xã được trải nhựa, bê tông hóa; nhiều tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện… Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương. 

Để thực hiện phát triển bền vững kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, tỉnh Nam Định cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thay đổi tư duy, nếp sống, thói quen sản xuất của người dân nông thôn, sản xuất nông nghiệp phải gắn nhu cầu của thị trường.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn dựa trên ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thông minh. Tập trung huy động vốn và hỗ trợ tài chính cho quá trình phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới…

Hạ Nhiên