Tại phiên họp chuyên đề về “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng” do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định Vũ Trọng Quế đã có bài “Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai dịch vụ công trực tuyến có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao” của tỉnh Nam Định.
Ông Vũ Trọng Quế cho hay, chuyển đổi số phát triển thì kéo theo dịch vụ công phát triển, vì vậy, tỉnh Nam Định phát triển đồng đều các lĩnh vực của chuyển đổi số cũng như dịch vụ công.
Từ cuối năm 2022 đến nay, Nam Định luôn đạt top đầu về xếp hạng của Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần và một phần là 1.286/1.705 đạt 75% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Nam Định hiện đang xếp thứ 6 năm 2023, xếp thứ 7 trong quý 1 năm 2023 và xếp thứ 2 tháng 5/2023. Số hồ sơ 5 tháng đầu năm 2023 đạt 81%. Số hồ sơ tiếp nhận tháng 5 (từ 20/4 - 19/5/2023) là 54.786/64.103 đạt 85,4%. Sở Tài nguyên và Môi trường là nặng nề nhất.
Số hồ sơ số hoá là 39.347/64.103 đạt 61,3%. Thanh toán trực tuyến cho 30.031 hồ sơ với số tiền là 603. 212.000 đồng. Thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên lĩnh vực liên thông thuế, tài nguyên và môi trường là 323 hồ sơ đạt 1,7 tỷ đồng.
Trung tâm hành chính, Một cửa điện tử đã phát huy hết sức hiệu quả trong thời gian qua, đúng với vai trò lịch sử của nó và theo quy luật sẽ dần co lại trong thời gian tới. Trước đây, số người dân đến Trung tâm Dịch vụ hành chính công của tỉnh khoảng 400 - 500 người/ngày, hiện đã giảm xuống chưa đến 150 - 200 người (giảm khoảng 1/3 - 1/4 số trước đây). Trung tâm hành chính của tỉnh, huyện cũng sẽ được co gọn trong thời gian tới đây.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định, từ năm 2018, 2019, tại báo cáo hàng tháng của UBND tỉnh đều dành riêng mục số 8: Xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, sau đó là mục Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và cải cách hành chính.
Hàng tháng, hàng quý, Chủ tịch UBND tỉnh đều khen ngợi, phê bình cụ thể các sở, huyện về chuyển đổi số nói chung và 3 nền tảng chính là: dịch vụ công, quản lý văn bản, hệ thống báo cáo kinh tế xã hội.
Xác định hàm lượng tuyên truyền có giá trị cao, tạo nên thành quả chuyển đổi số. Vì vậy, năm 2022, Nam Định đã tổ chức 9 hội nghị và dự kiến năm 2023, có 12 hội nghị. Đến hết năm 2023, 100% các sở đều có hội nghị chuyển đổi số của ngành mình.
Đặc biệt, từ năm 2017, tỉnh đã hoàn thành lưu chuyển văn bản điện tử trong toàn hệ thống chính quyền, năm 2019 là toàn hệ thống chính trị.
Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các đợt đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, ông Vũ Trọng Quế cũng cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông sẵn sàng trao đổi trực tiếp, cầm tay chỉ việc và đáp ứng tốt về kỹ thuật và công nghê.
Trước đây, một số cơ quan của tỉnh khi làm xong thường tích vào mục trả kết quả (để báo cáo) nhưng thực tế khi người dân đến thì vẫn trả lời chưa xong. Năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã có giải pháp 3 tin nhắn giải quyết vấn đề này. Tin nhắn 1: đã nhận đủ hồ sơ; tin nhắn 2: đã thanh toán phí, tin nhắn 3: đã trả kết quả.
Thực tế hiện nay, Nam Định không còn cấp biên lai nhận trả kết quả bằng tay.
Người đứng đầu Sở Thông tin và Truyền thông Nam định cũng cho hay, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các sở, huyện hăng hái trong công tác chuyển đổi số. Đơn cử như TP Nam Định phấn đấu sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu mà Nam Định đã được Bộ giao tiên phong - 60% dịch vụ công toàn trình người dân làm tại nhà; Tiên phong chuyển đổi số trường học trên địa bàn toàn thành phố. Hiện, Nam Định có 1 trường học chuyển đổi thành công. Sơ kết tháng 3/2023, 12 trường đang thực hiện thí điểm và phấn đấu đến đầu năm học 2024 có 89 trường thực hiện.
Ngoài ra, Sở cũng chú trọng đến công tác kết nối và phát huy lòng tự trọng của cán bộ, công chức làm công tác chuyển đổi số để giúp họ tự tin hơn trong công việc và đam mê cống hiến.