Để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, ngành Ngân hàng phối hợp với các ngành, địa phương triển khai các chương trình tín dụng đặc thù nhằm đưa được vốn về nông thôn.
Tính đến nay, dư nợ cho vay chương trình xây dựng NTM tăng trưởng đều qua các năm; đến hết quý II năm 2023, tổng dư nợ trên toàn tỉnh đạt 47.241 tỷ 135 triệu đồng với 183.312 hộ dân, 443 doanh nghiệp và 4 hợp tác xã còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay xây dựng NTM tại các ngân hàng thương mại (chủ yếu tập trung từ hệ thống 2 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) đạt 43.171 tỷ 567 triệu đồng với 75.420 hộ dân, 417 doanh nghiệp và 3 HTX.
Ngoài ra, còn một số ngân hàng khác như Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đạt dư nợ 3.928 tỷ 68 triệu đồng với 107.866 hộ, 1 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã còn dư nợ; Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co.opBank) Chi nhánh Nam Định đạt dư nợ 5 tỷ 500 triệu đồng với 26 hộ vay…
Đến nay toàn tỉnh có 188/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 92,15%) và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 644/1.970 (33%) thôn, xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, trong thành công chung đó có sự đóng góp, hỗ trợ rất quan trọng của ngành Ngân hàng. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; nhất là tạo điều kiện về vốn để các tổ chức, cá nhân tại khu vực nông thôn khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị nông sản, tạo nên các sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương; hội nhập mạnh mẽ vào thị trường thương mại điện tử; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương, không ngừng cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần quan trọng vào thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh. Đồng thời, góp phần từng bước cải thiện, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn, cải tạo cảnh quan, bộ mặt nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp...