Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm 2023 tỉnh Nam Định (theo giá so sánh 2010) ước đạt 41.611 tỷ đồng, tăng 9,06% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,33%, đóng góp 0,65 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,47%, đóng góp 5,58 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,11%, đóng góp 2,56 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,84%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất các loại cây trồng đạt khá, sản lượng một số cây hàng năm tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định; nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 3,01%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành thủy sản tăng 4,07%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm.

Một góc thành phố Nam Định

Khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Nam Định. Ngành công nghiệp, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, duy trì sản xuất và là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 13,59%, đóng góp 4,26 điểm phần trăm. Ngành xây dựng, các dự án, công trình trọng điểm được tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công góp phần làm giá trị tăng thêm ngành xây dựng tăng 13,10%, đóng góp 1,32 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa của Chính phủ. Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như sau: Ngành bán buôn và bán lẻ tăng 10,82%, đóng góp 0,81 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,22%, đóng góp 0,40 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng tăng 8,23%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.

Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định (GRDP) 9 tháng năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 73.853 tỷ đồng, tăng 12,07% so với cùng kỳ năm 2022. Về cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 18,40%; khu vực công nghiệp và xây dựng 43,82%; khu vực dịch vụ 34,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,04% (Cơ cấu tương ứng 9 tháng năm 2022: 19,36%; 42,16%; 35,44%; 3,04%).

Trước đó, thống kê nửa đầu năm cho biết, tổng sản phẩm GRDP của Nam Định ước tăng 8,5%, đưa Nam Định nằm trong nhóm các địa phương có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước. Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP của Nam Định ước tăng 8,5%, đứng thứ 6 toàn quốc và đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,3%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tăng 13,6%. 

Thành Nam