Chỉ số Xây dựng và phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử là chỉ số thành phần thứ 7 trong Bộ chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan Nhà nước. 

Theo Báo cáo Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 do Bộ Nội vụ mới công bố, Nam Định đạt 84,86 điểm, xếp hạng 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2021.

Trong đó, chỉ số thành phần về Xây dựng và phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử (do Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm làm đầu mối) đạt 12,13 điểm (84,81 điểm %) trong khi điểm tối đa là 13,5 điểm (100%), xếp hạng cao nhất trong 8 chỉ số thành phần, xếp thứ 7 cả nước.

Kết quả này đưa tỉnh Nam Định lần đầu tiên nằm trong top 10 và đứng thứ 2 trong nhóm các tỉnh đồng bằng sông Hồng về chỉ số thành phần này.

Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. 

Đạt được thành quả này, tỉnh Nam Định đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. 

Đặc biệt, để có được bước đột phá trên bảng xếp hạng chỉ số Xây dựng và phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông đã rà soát thực trạng triển khai của những năm trước để cùng với việc phát huy những kết quả tích cực thì tập trung tìm giải pháp quyết liệt khắc phục những chỉ số thành phần chưa đạt điểm tối đa. 

Đến nay, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được xây dựng, đưa vào vận hành tại địa chỉ: dichvucong.namdinh.gov.vn từ năm 2018 và liên tục được cập nhật, bổ sung dữ liệu. Năm 2022, số hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 612.030 lượt. 

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 99,9%. Có 32.736 hồ sơ thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp phát sinh thanh toán trực tuyến. Tổng số tiền thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí là gần 1 tỷ đồng.

Gần 100 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả bằng văn bản điện tử. Cổng đã gửi 713.971 tin nhắn thông báo tình hình giải quyết thủ tục hành chính thủ tục hành chính đến thuê bao điện thoại di động của người dân. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tích hợp, kết nối và cung cấp 1.213 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đã tiếp nhận, xử lý và giải quyết theo đúng quy định 14.215 thủ tục hành chính từ Cổng Dịch vụ công quốc gia. Có 655.638  hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây; tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được đưa vào sử dụng chính thức; nâng cao tỷ lệ thực hiện thanh toán trực tuyến. 

Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho các cấp, các ngành trong tỉnh. Hoàn thành việc rà soát và cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh theo hướng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. 

Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Trong đó tập trung đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính đến cấp xã và thanh toán trực tuyến các dịch vụ đời sống sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục...

Triển khai sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc rà soát, đánh giá, bảo đảm trung tâm dữ liệu và nền tảng, dịch vụ điện toán đám mây phục vụ chính phủ số, chính quyền số tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp.

Quỳnh Nga