Hiện khu công nghiệp này đang được đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, vị trí chiến lược khi nằm trong Khu kinh tế Ninh Cơ. Từ khu công nghiệp chỉ mất từ 30 - 45 phút di chuyển đến trung tâm TP. Ninh Bình, trung tâm TP. Nam Định, từ 60 - 90 phút để đến trung tâm TP. Thái Bình, sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Ảnh minh hoạ

Khu công nghiệp Dệt May Rạng Đông được phát triển trên tổng diện tích gần 2.200ha, gồm 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư sản xuất 1 tỉ mét vải trên diện tích 519,6ha. Giai đoạn 2, nâng sản lượng vải lên 1,5 tỉ mét, hoàn thiện chuỗi cung ứng trên diện tích 850ha. Giai đoạn 3, hình thành đô thị thương mại, dịch vụ dệt may - thời trang hiện đại trên diện tích 675ha. Đến năm 2030, khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông sẽ có quy mô trên 500ha để cho các dự án liên quan đến ngành dệt may, bao gồm cả các dự án sản xuất len lông cừu.

Khu công nghiệp này sẽ đảm bảo tốt các điều kiện phục vụ sản xuất, bao gồm: cấp nước, điện, công trình xử lý nước thải, hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy kết nối thuận tiện tới khu công nghiệp và liên thông đến các khu kinh tế trọng điểm trong nước.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp dệt may, giai đoạn nửa cuối quý IV-2022 đến nay, nhóm các doanh nghiệp dệt may chịu nhiều tác động tiêu cực bởi suy thoái kinh tế, bị giảm mạnh đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Nhu cầu về mặt hàng sợi trên thế giới giảm khiến giá bán sợi giảm mạnh. Sản xuất các sản phẩm may mặc thiếu đơn hàng, các đơn hàng có được chủ yếu là nhỏ lẻ, đơn giá thấp so với năm 2022. Dự kiến đến hết quý II-2023 các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh.  

Trong buổi kiểm tra thực tế sản xuất, kinh doanh tại một số doanh nghiệp dệt may trên địa bàn mới đây, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Gia Túc đề nghị, các doanh nghiệp chủ động hơn nữa các biện pháp linh hoạt, thiết thực với bối cảnh thị trường bất định. Quan trọng nhất là phải duy trì bộ máy sản xuất, đảm bảo được việc làm, đời sống cho toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động. Chú trọng tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng quan tâm sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, sản xuất theo chuỗi. Quan tâm bám sát thị trường, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng để kịp thời có phương án sản xuất phù hợp.

Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành nắm bắt thông tin thực tế của các doanh nghiệp dệt may. Gia tăng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn cung ứng và chi phí đầu vào. Thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, khai thác hiệu quả thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Thành Nam