Chiều 26/4, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Theo báo cáo của ngành chuyên môn, năm 2022 công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó sự cố của các cấp chính quyền, người dân về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được tăng cường.
Kết quả triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh, phong trào thi đua "Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn" giai đoạn 2021 - 2025 được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đánh giá ở mức đạt.
Tình hình thực hiện phương châm "4 tại chỗ" gắn với xây dựng cộng đồng an toàn và thực hiện tiêu chí an toàn về phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; củng cố, nâng cao năng lực và hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã được thực hiện nghiêm túc, duy trì tốt. Công tác quản lý, đầu tư, xây dựng và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê điều bảo đảm an toàn...
Năm 2023, dự báo có từ 11 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Nam Định. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, công trình thủy lợi phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão. Rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.
Tổ chức tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát thực tế. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nhận thức về thiên tai đến người dân. Tổ chức trực ban nghiêm túc để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê, kè, cống trong mùa mưa bão năm nay.
Thời gian tới, các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng chống thiên tai đến từng gia đình để nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong việc phòng chống thiên tai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh làm cơ sở đánh giá, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các vi phạm. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể, nhất là phương án tìm kiếm cứu nạn, sơ tán dân, bảo đảm an ninh trật tự và khắc phục hậu quả thiên tai.
Các công ty thủy nông nâng cao năng lực tưới, tiêu nước của hệ thống công trình bảo đảm phòng, chống hạn, úng lụt hiệu quả; kiểm tra phương án, phương tiện, vật tư, lực lượng dảm bảo "4 tại chỗ" khi có sự cố xảy ra. Tổ chức diễn tập các kỹ năng phòng chống thiên tai cho các lực lượng liên quan. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng chống thiên tai và phòng, chống đuối nước cho học sinh.