Thông tin trên được Bộ TT&TT chia sẻ tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự chương trình “Khởi nghiệp công nghệ” của VTV. Một đặc điểm của 5 mạng xã hội này là đều do doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tư chứ không dùng tiền đâu tư từ ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ định hướng phát triển các mạng xã hội Việt Nam, nhất là các mạng xã hội có cách tiếp cận mới, khác biệt căn bản với Facebook. |
Ngày 23/7, Mạng xã hội Gapo đã chính thức được ra mắt với việc xác định khách hàng sẽ là trọng tâm. Do đó, Gapo sẽ có đội ngũ chăm sóc luôn lắng nghe ý kiến khách hàng để hoàn thiện sản phẩm.
Theo CEO Gapo Hà Trung Kiên, điểm đặc biệt của Gapo là tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Mọi người - đặc biệt là giới trẻ - có rất nhiều tùy chọn khác nhau để trang trí ngôi nhà của mình trên Gapo với những hình nền, màu sắc tùy biến. Trong giai đoạn sau, mọi người còn được sử dụng thêm video, âm nhạc hoặc thậm chí là các dạng hình ảnh tương tác khác trong trang cá nhân.
Gapo- một trong năm mạng xã hội Việt Nam được ra mắt trong năm 2019 đạt mục tiêu sẽ có 50 triệu người dùng vào cuối năm 2021. |
Bên cạnh đó, Gapo cho phép người dùng định danh tài khoản thông qua giấy tờ tuỳ thân để bảo vệ tài khoàn, thanh toán trực tuyến hay sử dụng các dịch vụ công. Trong tương lai, Gapo còn cho phép chia sẻ doanh thu với người dùng.
Theo lãnh đạo của một công ty công nghệ lớn chia sẻ với ICTnews, công ty này cũng đang phát triển một mạng xã hội về tin tức. Hiện mạng xã hội này trong giai đoạn chạy thử nội bộ trước khi chính thức ra mắt vào tháng 9/2019. Dù đều là nền tảng phân phối nội dung giống Youtube, Instagram nhưng mạng xã hội này có nhiều định dạng đa dạng từ ảnh, video, văn bản giúp người dùng có thể nắm được dòng chảy thông tin, những nội dung nào đang được chia sẻ rộng rãi nhất.
Một mạng xã hội khác sắp ra mắt chia sẻ với ICTnews họ sẽ nhắm đến đối tượng người dùng là những người còn độc thân và đặt ra mục tiêu đầy thách thức sẽ đạt 20 triệu người dùng.
Trước đó, trong phát biểu kết luận hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của ngành TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ định hướng phát triển các mạng xã hội Việt Nam, nhất là các mạng xã hội có cách tiếp cận mới, khác biệt căn bản với Facebook. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, mạng xã hội hiện nay, sức mạnh và giá trị được tạo ra bởi người dùng nhưng toàn bộ lợi ích đang thuộc về mạng xã hội. Các thuật toán, luật chơi là do công ty cung cấp nền tảng mạng xã hội nắm trong tay. “Mô hình mạng xã hội mới là giá trị tạo ra của người dùng phải được chia sẻ, mô hình mới là luật chơi phải có sự tham gia của khách hàng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tính đến cuối tháng 6/2019, Facebook công bố số lượng người dùng mạng xã hội này hàng tháng tại Việt Nam khoảng 60 - 65 triệu người. Tuy nhiên, kết quả thống kê độc lập do một doanh nghiệp Việt Nam kết hợp với các nhà mạng đánh giá số lượng người dùng Facebook hàng tháng vào khoảng 50 triệu). Số lượng người sử dụng Youtube hàng tháng vào khoảng 30 triệu người.
Với 2 mạng xã hội trong nước là Zalo và Mocha, số liệu thống kê của Bộ TT&TT cho thấy hiện số lượng người dùng Zalo hàng tháng vào khoảng 46,7 triệu, số lượng người dùng Mocha hàng tháng khoảng 4,8 triệu.