- “Nhiều lúc, 5 ngày nữa em mới được lãnh tiền đi làm thêm nhưng chỉ còn 20.000 đồng, số tiền này em dành đi xe buýt 15.000 đồng, 5.000 đồng còn lại sẽ mua một bó rau và trụ được hai ngày”.
Đó là chia sẻ Trần Thanh Di, sinh viên năm thứ hai, Khoa Công nghệ hoá thực phẩm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Ngày nhập trường là ngày đầy đủ nhất
Trần Thanh Di sinh ra trong một gia đình có gia cảnh khó khăn ở Cà Mau, để “trụ” được những năm học đại học, Di phải đi làm thêm trang trải cuộc sống vì gia đình chỉ “gắng” cho em được tiền học phí.
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, để được đi học, Di phải thuyết phục ba mẹ, em sẽ tự lo liệu mọi thứ, chỉ xin gia đình tiền học phí.
"Thật ra, ba mẹ cũng muốn cho em đi học nhưng gia đình em khó khăn quá. Sau mấy vụ tôm mất trắng thì ba mẹ không gượng được nữa. Sau em còn hai em gái cũng đang học. Em cố thuyết phục mãi nên ba mẹ cũng xuôi dần" - Di cho biết.
Di kể, ngày từ Cà Mau lên TP.HCM nhập trường là ngày đầy đủ nhất với em. Di được ba dẫn tới trường, nộp các khoản thu cần thiết. Sau đó, hai ba con ăn trưa và tìm nhà trọ. Em cũng được ba đóng một tháng tiền phòng trọ. Xong xuôi các khoản thì ba Di chỉ còn lại 550.000 đồng. Số tiền này, Ba đưa cho em để lo liệu những ngày chưa kiếm được việc.
Theo Thanh Di, sau khi ba về quê, em xin làm bưng bê ở quán cà phê với thu nhập 12.000 đồng/giờ làm. Dù xin làm bưng bê, nhưng em phải làm mọi việc từ pha chế, xếp xe, nấu ăn, sửa bóng đèn, bê vật nặng trong quán. Mỗi tháng làm việc cật lực, Di kiếm được 1 đến 1,5 triệu đồng. Số tiền này được em chia làm ba phần, 600.000 đồng dùng để đóng tiền trọ cùng bạn, 300.000 đồng cho việc đi xe buýt, còn lại là ăn uống, photo tài liệu và chi tiêu các khoản khác.
Di kể, "Nhiều lúc, còn 5 ngày nữa em mới được lãnh tiền làm thêm nhưng chỉ còn 20.000 đồng, số tiền này em dành đi xe buýt 15 nghìn, 5 nghìn còn lại sẽ mua một bó rau và trụ được hai ngày. Vì vậy nhận được tiền em phải căn ke mọi thứ. Nếu mua hụt tiền em không thể trụ tới cuối tháng".
Để tiết kiệm ăn uống, nam sinh dậy đi chợ đầu mối từ 4 giờ sáng, sau đó về nấu cơm ăn đi làm, đến trưa thì đi học luôn.
Hơn một năm làm thêm ở quán cà phê, hiện tại Di được sống cùng anh của một người bạn và không mất tiền trọ. Di cũng đi làm gia sư để dành thời gian cho việc học.
Cực bây giờ, sau này em sẽ đỡ hơn
Trần Thanh Di cho biết, em mong có sức khỏe, để đi làm và học đến ngày ra trường. Di đã hoàn thành năm học đầu tiên với mức điểm trên trên 7 phẩy. Năm học thứ hai của em cũng có kết quả khá tốt.
Nam sinh ấp ủ, khi học xong có thể xin được việc với thu nhập ổn định để tích cóp xây nhà cho ba mẹ. "Em muốn đưa ba mẹ về quê sinh sống, ở Lâm Đồng ban đêm khá lạnh ba mẹ cũng đau yếu lắm”- em nói.
Di cho rằng, mỗi người không được chọn gia đình, nhưng được phép chọn cuộc sống của riêng mình. “Gia đình em quá khó khăn nên em cố gắng vượt qua. Bây giờ bỏ học em cũng quay về làm nông, rồi cũng cực khổ như ba mẹ. Em nghĩ mình chịu cực bây giờ sau này sẽ đỡ khổ hơn. Em thấy mình may mắn hơn nhiều bạn, vì ở quê các bạn chỉ học tới lớp 7 là bỏ học rồi”.
“So với các bạn khác, em không có điều kiện về tài chính để mua sắm nhiều vật dụng cần thiết. Em không nghĩ chuyện hơn thua với các bạn. Việc đi làm thêm từ ngày đầu đã cho em nhiều kỹ năng cần thiết”- Di bật mí.
“Em biết cách tiếp cận với người lạ, ứng xử với người khác và biết cách giữ mình vui vẻ, đúng mực. Đặc biệt, em cũng biết cách tiết kiệm, điều khiển các khoản chi tiêu phù hợp, biết cân đo cho bữa ăn để trụ đến hết tháng”
Chia tay Di, tôi hỏi bao nhiêu ngày nữa em lại được lĩnh “lương”? Di nói, “Còn 6 ngày nữa, nhưng em chỉ còn 75.000 đồng. Với số tiền này, em dành 15.000 đi xe buýt, 60.000 đồng để ăn uống. Chắc lại phải đi mượn tạm vài chục để dùng”. Nói xong, Di cười tươi. Dù thiếu thốn, nam sinh viên vẫn rất yêu đời.
Tuệ Minh