Cuộc đối thoại có sự tham gia của đại diện đến từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế); UBND TP Hội An; Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội; Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh; Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Mạng lưới chương trình Một sức khoẻ các trường Đại học Việt Nam (VOHUN); Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp cho sự phát triển quốc tế (CIRAD); Tổ chức động vật Châu Á; Tổ chức Soi Dog International;… Bên cạnh đó, sự kiện còn có sự góp mặt của nhiều chuyên gia như GS.TS Đậu Ngọc Hào – Hội Thú y Việt Nam; PGS.TS Sử Thanh Long; TS. Nguyễn Mạnh Hà – Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển...

Đại diện các bên đã thảo luận về các khía cạnh khác nhau của nạn buôn bán thịt chó, mèo và đề xuất các bước đi tiếp theo cho Việt Nam để giảm thiểu rủi ro mà vấn nạn này có thể gây ra. Bên cạnh các bài tham luận chỉ ra những tác động của việc buôn bán thịt chó, mèo đối với sức khoẻ cộng đồng, phúc lợi động vật, các chuyên gia cũng chỉ ra ảnh hưởng của vấn nạn này đối với ngành du lịch.

GS.TS Đậu Ngọc Hào chia sẻ về mối nguy hại của hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép và giết mổ thịt chó, mèo 

Ông Robert Rankin, Giám đốc quốc gia Công ty du lịch và lữ hành Abercrombie and Kent Việt Nam (Mạng lưới toàn cầu các Công ty Quản lý Điểm đến tại 55 quốc gia) nhấn mạnh: “Khách du lịch không muốn chứng kiến những hành động tàn ác đối với động vật, và đặc biệt là nạn buôn bán thịt chó, mèo. Việc buôn bán thịt chó, mèo và những tác động đã được chứng minh đối với việc gia tăng dịch bệnh, khiến các nhà điều hành du lịch gặp khó khăn hơn trong việc quảng bá Việt Nam như một điểm đến du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và hiện đại. Chúng tôi ủng hộ lệnh cấm buôn bán thịt chó mèo và cùng với nhiều công ty du lịch đã ký cam kết ủng hộ chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo của FOUR PAWS”.

Theo ông Robert Rankin, khách du lịch văn minh sẽ luôn tôn trọng văn hóa địa phương nhưng có thể, nét văn hóa đó chỉ phù hợp với thời điểm, bối cảnh lịch sử nhất định mà không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. "Chúng tôi tin rằng, những du khách yêu mến Việt Nam đều không đồng tình với những hành động tàn ác đối với động vật, và đặc biệt là nạn buôn bán thịt chó, mèo", ông cho biết.

Đại diện đơn vị du lịch lữ hành EXO Travel - Công ty Quản lý Điểm đến chuyên cung cấp các chuyến du lịch được thiết kế riêng tại 10 quốc gia cho biết: Nhiều năm qua, trong Bộ quy tắc ứng xử với động vật hoang dã của công ty, đơn vị này đã có hướng dẫn để đảm bảo các nhà cung cấp của các hoạt động liên quan đến động vật hoang dã tập trung vào việc mang lại trải nghiệm tự nhiên (như không cưỡi voi hoặc trâu nước, giảm thiểu tương tác với con người), đồng thời tôn trọng “Năm quyền tự do” trong Tiêu chuẩn Toàn cầu về Động vật trong Ngành Du lịch. 

"Chúng tôi không chỉ nỗ lực đưa ra lời khuyên cho khách du lịch mà còn hướng dẫn họ cách thức báo cáo trực tiếp với các tổ chức liên quan về các hành vi không bền vững mà họ chứng kiến khi tham quan (ngược đãi động vật, buôn lậu, bán đồ lưu niệm bất hợp pháp,...). Nạn buôn bán chó mèo là một mối lo ngại về sức khỏe và an toàn cho ngành du lịch. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chiến dịch của FOUR PAWS nhằm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam", đại diện EXO Travel cho biết.

Tháng 12/2021, UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức ký kết trực tuyến với Four Paws về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo. Tham gia cuộc đối thoại, ông Lê Đình Tường - Phó trưởng phòng Kinh tế TP Hội An, đại diện UBND TP Hội An khẳng định: "Buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo là hành động làm ảnh hưởng đến quyền lợi của động vật, sức khoẻ của cộng đồng và làm giảm sút hình ảnh đất nước, con người Việt Nam văn minh, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế".

Trong thời gian qua, thành phố này đã nỗ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động từ đó, nhận thức của người dân, nhất là giới trẻ về việc không buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo đã được nâng lên đáng kể. Nhiều phong trào, chiến dịch bảo vệ chó, mèo đã được các tổ chức, cá nhân khởi xướng, được cộng đồng hưởng ứng và tham gia tích cực. Hội An sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo để luôn là một điểm đến “thành phố văn hoá – du lịch” tiêu biểu của vùng duyên hải miền Trung Việt Nam mà trong đó, cốt lõi của tài nguyên văn hoá Hội An chính là truyền thống “nhân tình thuần hậu” với nếp sống giản dị, thân thiện, cởi mở và chân tình của người dân địa phương. 

Bốn diễn giả tham gia thảo luận

Bác sỹ Karan Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, cho biết: "Các bài tham luận và thảo luận cho thấy đang có làn sóng quay lưng lại với việc buôn bán thịt chó và mèo ở Việt Nam.

Các bên hữu quan cũng chỉ ra việc buôn bán thịt chó và mèo tiềm ẩn nhiều rủi ro, liên quan trực tiếp và gián tiếp với bệnh dại, nguy cơ xuất hiện của mầm bệnh mới có thể dẫn đến đại dịch. Nhiều công ty lữ hành và khách du lịch đã bày tỏ quan điểm phản đối hoạt động buôn bán này. Đã đến lúc cần phải hành động, FOUR PAWS, cùng với các đối tác đã sẵn sàng chung tay đối phó với những hiểm hoạ đe doạ sức khoẻ cộng đồng và phúc lợi động vật.

Bà Phan Thanh Dung, Chuyên viên tư vấn chiến dịch tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, cho biết thêm: “Chúng tôi liên tục nhận được thông tin từ người dân, du khách quốc tế yêu cầu hành động, cùng với hàng chục ngàn lá thư tâm huyết được gửi đến Chính phủ với mong muốn chấm dứt nạn buôn bán này. Công cụ báo cáo về buôn bán thịt chó mèo của chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản ánh sau chưa đầy một tháng ra mắt. Điều này minh chứng rằng đại đa số người Việt Nam không đồng tình với việc buôn bán thịt chó, mèo. Việc buôn bán này chỉ mang lợi cho một số ít người nhưng gây rủi ro cho nhiều người”.

Được biết, trước đó tháng 12/2021, Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS) đã gửi thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kêu gọi chấm dứt ngay nạn buôn bán thịt chó, mèo. Bức thư này hiện đã thu thập được 33.000 chữ ký ủng hộ.

Việc kêu gọi chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo cũng được truyền thông rộng rãi khi hơn 40 công ty du lịch lớn đã cam kết ủng hộ chiến dịch này. Ngoài ra, hơn 1,6 triệu người đã ký vào một bản kiến nghị toàn cầu và hơn 24.000 khách du lịch quốc tế đã gửi văn bản đến Tổng cục Du lịch bày tỏ mối quan tâm của họ về vấn nạn buôn bán này.