- Có lẽ, chứng kiến bi kịch của gia đình mình, đứa bé sẽ mãi phải mang trong mình những ký ức đau thương, buồn tủi và ê chề...

Thi nhau “vạch áo cho người xem lưng”

Cũng giống như bao đôi vợ chồng khác, năm 2006 chị Lê Thị Lý (SN 1981, quê ở xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội) kết hôn với Nguyễn Tiến Thịnh (SN 1980, ở phường Hùng Vương, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Đến năm 2007, vợ chồng họ vui mừng đón cô con gái đầu lòng, nhân thêm lửa ấm trong gia đình họ.

Nhìn tấm ảnh họ từng hạnh phúc sánh vai nhau, ai mà ngờ rằng có ngày họ lại đưa nhau ra tòa mà phơi bầy những “con rận” mà chỉ người trong chăn mới thấu tỏ.

Chị Lê Thị Lý tại tòa

Mọi rạn nứt bắt đầu từ sau ngày chị Lý đi xuất khẩu lao động về. Khi đó đôi vợ chồng Thịnh- Lý không còn phải lo lắng đến chuyện cơm áo gạo tiền nữa bởi kinh tế gia đình họ đã thuộc hàng khá giả.

Thế nhưng không vì thế mà đôi vợ chồng trẻ kiếm tìm được hạnh phúc.

Dưới mái ấm gia đình với cô con gái nhỏ cuộc sống vợ chồng họ chất chứa những hờn ghen khi chồng cho rằng khi vợ đi xuất khẩu lao động đã ngoại tình với 4 người đàn ông.

Còn vợ thì đánh ghen với cô hàng xóm đã dan díu với chồng mình. Và rồi bi kịch xảy ra, như giọt nước cuối cùng làm tràn ly.

Khoảng 21 giờ ngày 20/10/2011, tại phòng ngủ của hai vợ chồng, Thịnh đã truy hỏi chị Lý về mối quan hệ của chị Lý khi còn ở Angola. Chị Lý không thừa nhận có quan hệ, hẹn hò tình ái với ai ở Angola nên Thịnh đã lấy một ống nhựa cứng, mầu xanh rỗng, dài 90 cm, đường kính 2cm (thường ngày Thịnh, ấy đoạn ống này để mắc màn) ở gầm giường vụt liên tiếp vào vai, mạn sườn trái của chị Lý.

Sau đó, Thịnh dùng tay đập phá hết đồ mỹ phẩm, gương bàn trang điểm, ảnh cưới, điện thoại di động, máy ảnh và dùng kéo cắt nát túi xách, vali kéo tay, quần áo, dây thắt lưng của chị Lý rồi gọi chị Lý và mọi người trong gia đình sang phòng mình và tiếp tục chửi bới, lăng mạ chị Lý tại phòng ngủ của vợ chồng Thịnh.

Theo tố cáo của chị Lý, không chỉ đánh đập vợ, Thịnh còn bắt vợ không mảnh vải che thân lê trong nhà rồi quay clip, xé di ảnh của bố vợ nhét vào đũng quần...

Sau khi bị vợ làm đơn tố cáo với cơ quan công an, khi vợ vẫn phải nằm điều trị vết thương ở bệnh viện, Thịnh đã đến đe dọa vợ: “Mày đừng viết đơn tố cáo tao, tao chết tao không chết một mình đâu, ngày tao ra tù sẽ là ngày giỗ của tao với mày”.

Đứa con bất hạnh

Trong suốt phiên xử Thịnh tội "Cố ý gây thương tích" và "Đe dọa giết người" mà nạn nhân lại chính là vợ anh ta, dù đứa con chung của bị cáo và bị hại không có mặt, nhưng người ta vẫn thấy sự hiện diện của bé gái trong từng lời khai của bị cáo, bị hại và cả lời bào chữa của vị luật sư.

Có lẽ, chứng kiến bi kịch của gia đình mình, đứa bé sẽ mãi phải mang những ký ức đau thương, buồn tủi và ê chề.

Tại tòa vợ chồng Thịnh - Lý thi nhau tố cáo người kia ngoại tình, không xứng đáng làm cha, làm mẹ.

Vợ chồng họ ai cũng cố bảo vệ lý lẽ của mình và ai cũng bức xúc như nhau. Không rõ đâu là thực, đâu là hư, chỉ biết rằng, đứa con nhỏ của họ đã phải chứng kiến bi kịch đớn đau của gia đình mình khi bố mẹ cô bé thi nhau “tung đòn thù”.

Theo lời khai của chị Lý tại tòa, sáng hôm chị bị chồng hành hạ, đánh đập, anh Thịnh nói với vợ: “Mày cắt tóc con A. thì mày phải cắt tóc của mày”. Và lúc đó anh Thịnh bắt vợ phải xem clip đoạn anh ta làm tình với tình nhân.

Điều cay đắng hơn cả, theo lời khai của chị Lý, Thịnh làm việc đó ngay trước mặt những người trong gia đình nhà chồng và đặc biệt là ngay trước mặt cô con gái nhỏ. Tuy nhiên, đây chỉ là lời khai từ chị Lý.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo trình bầy: “Trong vụ án này có đặc thù, về mặt pháp lý, Thịnh với Lý đang là vợ chồng đã từng ăn ở bao nhiêu năm và có con chung, gì thì gì cũng phải nghĩ đến cái tình cái nghĩa, ở đây chúng ta phải xem đến quyền lợi của đứa trẻ khi mà bố nó phải chịu án tù, tương lai, lý lịch của nó như thế nào khi bố bị đi tù. Cần bình tâm nghĩ đến quyền lợi của đứa trẻ”.

Hẳn là phải chịu quá nhiều đau đớn, tủi cực, cuối cùng chị Lý mới phải cắn răng viết đơn tố cáo chồng. Tại tòa, chị Lý nói: “Tôi không muốn con tôi có ký ức không hay về bố và mẹ, tôi chỉ mong chồng tôi cảm thấy có lỗi thì xin lỗi mẹ, tôi và con. Tôi xin tòa giảm nhẹ cho chồng tôi vì dù sao anh ấy vẫn là chồng tôi là cha của con tôi ạ".

Như để đáp trả vợ, lời sau cùng bị cáo nói: “Giờ này tôi quá hối lỗi, nhưng tôi cũng mong rằng vợ tôi soi trước gương xem có xứng đáng là vợ, là mẹ của con tôi không. Mong vợ tôi dạy con những điều hay lẽ phải. Cô ấy làm như thế tôi khổ đã đành, cô ấy khổ, con tôi là khổ nhất”.

Dường như đến giờ phút này họ mới nghĩ đến đứa trẻ, liệu có là quá muộn sau khi cô bé đã phải chứng kiến bi kịch ê chề của cha mẹ mình?

Kết thúc phiên tòa, bị cáo nhanh chóng bị đưa ra xe bít bùng, còn nạn nhân nước mắt như mưa được mẹ dìu ra phía cổng tòa. Rồi đây chị sẽ phải nói, phải giải thích thế nào về mức án tù mà cha đứa con của chị vừa phải đón nhận?

Đứa bé sẽ lớn lên, phát triển thế nào sau tất cả bi kịch mà nó đã chứng kiến? Trong tất cả câu chuyện trên, người ta đã làm gì để bảo vệ đứa trẻ khỏi những tổn thương mà nhẽ ra em không phải gánh chịu?

T.Nhung