Sự kiện diễn ra vào sáng ngày 9/10 với sự hưởng ứng nhiệt tình của các thầy cô giáo và toàn thể học sinh trong nhà trường. Mở đầu chương trình, học sinh toàn trường được hòa mình vào không khí sôi nổi, hào hùng của 69 năm về trước thông qua video giới thiệu về ngày 10/10/1954. Ngày Giải phóng Thủ đô có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, cách đây 69 năm, đúng 16h ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.

 

anh tin giai phong thu do.jpg
Ảnh: Ngô Huyền

Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hơn 40 vạn nhân dân Thủ đô tràn ngập cờ hoa với niềm hân hoan tột độ đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. 8h sáng ngày 10/10/1954, đường phố Hà Nội như rung chuyển, ngập trong rừng cờ hoa rực rỡ, trong niềm vui sướng vỡ òa, trong tiếng reo hò của 20 vạn nhân dân Thủ đô để đón chào đoàn quân giải phóng.

Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đoàn quân Việt Nam đã trở về trong khung trời phấp phới cờ đỏ sao vàng và trong vòng tay ấm áp của nhân dân Hà Nội giữa một ngày nắng đẹp đầy hoa. Tất cả cảnh sắc đó đã được nhiều nghệ sĩ kịp thời lưu giữ lại bằng những lời ca, ý nhạc của mình. Để rồi mãi chục năm sau khi chúng ta gặp lại những ca từ cũ vẫn cảm tưởng được như có lửa cháy hừng hực, tê tái, rần rật lan toả trong tim.

Không khí ấy được tái hiện qua phần trình bày của Tốp ca 6A1 và 6A4 với bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao. Tiếp đó, tập thể lớp 7A7 giới thiệu đến thầy cô và các bạn cuốn sách chủ đề: “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về” - được ra mắt trong khuôn khổ chuỗi chương trình “Ký ức mùa thu”, để chào mừng kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Hơn 60 năm trôi qua, những kí ức về ngày giải phóng Thủ đô năm nào dường như vẫn vẹn nguyên, nhắc nhở mỗi người dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực của trường THCS Nguyễn Công Trứ hưởng ứng nếp sống văn minh, thanh lịch, quyết tâm thực hiện tốt theo Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.

Chương trình kỷ niệm thực sự ý nghĩa, nhắc nhớ những hy sinh gian khổ của quân, dân Thủ đô, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" để thế hệ trẻ hôm nay càng thêm "giữ lửa truyền thống - tiếp bước tương lai", góp phần dựng xây Tổ quốc trong thời kỳ mới.

 Ngô Huyền