Thông tin từ Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, trên phạm vi cả nước, đã có 250/280 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đạt khoảng 89%. Trong đó các địa phương có số lượng KCN lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh... tỷ lệ này đều đạt 100%. Đã có 219/250 KCN lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục.

Nhìn chung, nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình thu hút đầu tư thông qua việc lựa chọn những ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch. Đối với các cơ sở sản xuất, nhà máy riêng lẻ, hầu hết đã và đang được kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước thông qua việc quản lý, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

19 tai nguyen nuoc.jpg
Việc quản lý các dòng sông, quản lý các tầng chứa nước cần được quan tâm nhiều hơn.

Cục Quản lý tài nguyên nước cũng cho biết, ngành đã Ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; gắn chế độ vận hành của công trình với các yêu cầu về phòng, chống lũ và điều tiết nước dưới hạ du các hồ để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường của các địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng của nước ta.

Cục Quản lý tài nguyên nước đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên nước. Duy trì tốt hoạt động của Trang thông tin điện tử của Cục, thường xuyên cập nhật thông tin, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thủ tục hành chính về tài nguyên nước, đảm bảo yêu cầu tiếp cận thông tin tài nguyên nước của toàn thể cán bộ và tổ chức, cá nhân quan tâm. Cục Quản lý tài nguyên nước đã biên tập và xuất bản gần 80 Bản tin tài nguyên nước (bao gồm cả bản in và bản điện tử). Từ năm 2013 đến nay, hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với địa phương tổ chức Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22 tháng 3.

Tuy nhiên, ý kiến của Cục Quản lý tài nguyên nước cũng cho thấy hiệu quả khai thác sử dụng nước trong các ngành còn thấp; rừng đầu nguồn suy giảm và công tác bảo vệ nguồn sinh thuỷ chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; các chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước chưa thực sự rõ ràng; việc quản lý các dòng sông, quản lý các tầng chứa nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống hậu quả do nước gây ra và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, các cấp trong các vấn đề này chưa được quy định một cách hệ thống, rõ ràng.

Để khắc phục được những nhược điểm trên cần tăng cường hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính ngành nước theo hướng quản trị thông minh; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước và điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hiệu quả sử dụng nước; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ, phát triển, điều hòa phân bổ tài nguyên nước đảm bảo chủ động nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt và sản xuất; cải thiện, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng, đảm bảo an ninh nước cho môi trường. Đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia: xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông có nội dung và hình thức tuyên truyền thích hợp cho từng nhóm đối tượng trong xã hội. Phát huy vai trò các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các chủ trương, chính sách và pháp luật về an ninh tài nguyên nước.

Nguyễn Hạnh và nhóm PV, BTV