Năm 2023, tỉnh Hà Nam tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. 

Theo đánh giá, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam năm 2023 tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Dự kiến đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Số lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội tỉnh đến hết năm 2023 ước còn hơn 87.600 người, chiếm tỷ lệ 18,34%.

W-hanam-ntm.png
Số lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội tỉnh Hà Nam đến hết năm 2023 ước còn hơn 87.600 người, chiếm tỷ lệ 18,34%. 

Ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam phát triển với tốc độ cao và ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ; các mô hình tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới, phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực nông thôn có bước nâng lên. Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 8.585 tỷ đồng, tăng 1,7% so với thực hiện năm 2022, đạt 99,87% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp được tỉnh tiếp tục thực hiện như: Thực hiện quy hoạch và tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch, hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao, sản xuất sản phẩm sạch giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa sản xuất..

Năm 2024, Hà Nam tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn đoạn 2021-2025. Thực hiện tốt các giải pháp về hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân qua các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2020, tỉnh Hà Nam đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2024, Hà Nam phấn đấu có ít nhất 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp tiếp tục được thực hiện như: Tập trung dồn đổi ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch, hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao, sản xuất sản phẩm sạch giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa… Chú trọng khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao...

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV