- Nắng nóng đỉnh điểm kéo dài mấy ngày qua đã làm cho người già, trẻ em phải đồng loạt nhập viện.
Xuất hiện trẻ bị viêm não, viêm màng não
Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động mạnh của thời tiết khắc nghiệt. Theo bác sỹ Trương Thúy Vinh - Trưởng Khoa Khám bệnh- BV Nhi Trung ương, trong những ngày nắng nóng này, số lượng trẻ nhập viện vì sốt cao, co giật, viêm mũi, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng cao.
Trong 6 ngày nắng nóng gần đây mỗi ngày BV Nhi trung ương khám từ 2.500- 2.700 bệnh nhi và số trẻ nhập viện lên đến 200 trẻ.
Trẻ nhập viện tăng đột biến truong những ngày nắng nóng này |
Theo bác sỹ Trương Thúy Vinh, bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp, viêm tiểu phế ở trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh) là những bệnh thường khó phát hiện bởi các dấu hiệu không biểu hiện rõ rệt như ở người lớn. Biểu hiện viêm phổi thường thấy của nhóm trẻ sơ sinh này là bỏ bú, ngủ li bì, nhịp thở hoặc lồng ngực bất thường…thì cần đưa trẻ đi khám để được điều trị, xử trí kịp thời.
Bác sỹ Thúy Vinh cũng cảnh báo những biến chuyển nhanh của các bệnh lý liên quan tới hô hấp. “Nhiều trẻ chỉ trong một ngày đã chuyển từ ho, sốt sang viêm phổi, buộc phải nhập viện và điều trị bằng máy thở”, bác sĩ Vinh nói.
Tình trạng này cũng xảy ra ở khoa nhi của nhiều bệnh viện khác. Bác sỹ Nguyễn Thành Nam, trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, do thời tiết nắng nóng, mỗi ngày, khoa nhi có hàng trăm trẻ đến khám và nhập viện, có thời gian cao điểm còn lên tới 150 trẻ. Tỷ lệ trẻ nhập viện tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tăng từ 20 đến 30% so với thời điểm trước nắng nóng.
Số lượng trẻ nhập viện vì sốt cao, co giật, viêm mũi, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng cao. |
Bác sỹ Nam cũng khuyến cáo, trong thời tiết nắng nóng, cha mẹ cần chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế cho trẻ ra ngoài đường trong khi trời nắng, nếu đi cần trang bị những dụng cụ tránh nắng cần thiết và đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp.
“Nếu trẻ lên cơn co giật, phụ huynh cần bình tĩnh, tiếp tục lau mát tích cực cho trẻ, tốt nhất là dùng thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn (thuốc được để trong tủ lạnh) cho trẻ. Khi trẻ co giật tuyệt đối không nên nhỏ giọt chanh, nước sả, vì trong lúc co giật trẻ uống sẽ bị sặc, ngưng thở.
Sau khi trẻ được lau nước nóng, uống thuốc hạ sốt, phụ huynh sớm đưa trẻ vào cơ sở y tế gần nhất”, bác sỹ Nam khuyến cáo
Cần hạn chế cho trẻ ra ngoài đường trong khi trời nắng nóng để tránh đổ bệnh |
Bệnh nhân huyết áp biến chứng nặng
Người già cũng là đối tượng dễ bị tác động mạnh do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt.
Bác sỹ Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết trong những ngày thời tiết bình thường, lượng bệnh nhân đến khám vì tăng huyết áp trung bình khoảng 200 người/ngày.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, thời tiết trở nên nắng nóng bất thường khiến cho lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tăng lên 400 người/ngày, chủ yếu là bệnh nhân bị biến chứng nặng của tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da dị ứng, bệnh đường tiêu hóa.
Nắng nóng cũng khiến cho những người cao tuổi phải nhập viện |
Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều bệnh viện, chuyên khoa tim mạch, lão khoa khác. GS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam cho biết mấy ngày hôm nay, bệnh nhân tai biến mạch máu não và tăng huyết áp tăng nhanh ở các bệnh viện do mạch co mạnh, đột ngột.
Với sức khỏe của người già, người mắc bệnh tăng huyết áp, các bác sỹ khuyến cáo cần phải thận trọng, không đột ngột ra, vào phòng điều hòa hay đột ngột từ phòng điều hòa bước ra ngoài trời nắng nóng để tránh xảy tai biến mạch máu não.
Bên cạnh đó, người cao tuổi, cần ăn đủ dinh dưỡng; uống nước nhiều lần trong ngày; Tránh ra đường khi ngoài trời nắng to, tập thể dục nhẹ lúc sáng sớm, tránh đổ mồ hôi nhiều. Nếu bệnh nhân mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, phải uống thuốc đều hằng ngày theo đơn của bác sỹ.
Hạnh Thúy – Minh Thùy - Đoàn Bổng