Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới

Thương hiệu Quốc gia đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng quan tâm để quảng bá hình ảnh quốc gia, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam ra với thế giới. Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, cộng đồng doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia đã và đang nỗ lực vượt qua thách thức trong sản xuất, kinh doanh, tìm những hướng đi mới để thương hiệu Việt luôn tỏa sáng trên thương trường.

Trong hành trình vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương. Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế, đến năm 2020, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt trên đạt hơn 12,6 tỉ USD, trong đó 50% doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, như Viettel, Vinamilk, Saigontourist… Đặc biệt, thông tin đưa ra tại họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm 5/1 cho hay: Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Nâng tầm giá trị là kim chỉ nam, xuyên suốt của chương trình Thương hiệu Quốc gia

Tại Diễn đàn quốc tế Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024 tổ chức sáng 16/4, tại Hà Nội, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh: Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương. 

W-khaimac.png
Đại diện Bộ Công thương tại Lễ khai mạc Tuần lễ thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024 và Diễn đàn quốc tế thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững, tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp, một ngành hay địa phương. Sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm còn chưa cao, mà một trong những nguyên nhân yếu kém là về thương hiệu.

Vì vậy, để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả thì cần tìm ra những giá trị cốt lõi, nổi bật. Thương hiệu phải gắn với sự khác biệt.

Dẫn đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới (Brand Finance), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Thương hiệu Quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Trong năm 2023, giá trị Thương hiệu Quốc gia đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong Top121 Thương hiệu Quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.

Từ kết quả trên, ông Tân cho rằng nâng tầm những giá trị cốt lõi không chỉ là việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn là việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, xây dựng xã hội công bằng và phát triển bền vững.

“Trong thời đại của sự thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự hỗ trợ của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta và là nền tảng để xây dựng và phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp, từng địa phương nói riêng và cả quốc gia nói chung,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

PV