Nhận định nêu trên được ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) thuộc Bộ TT&TT chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị “Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội năm 2019” được Bộ TT&TT phối hợp cùng Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức ngày 11/10 vừa qua tại Hà Nội.

Áp dụng hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh cá thể, chữ ký số cá nhân sẽ

Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - Bộ TT&TT.

Thuê bao chữ ký số cá nhân hiện mới chỉ chiếm hơn 1,1%

Cập nhật thông tin về tình hình triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số, ông Hoàn cho biết, đến nay, chứng thư số chuyên dùng để ký chữ ký số văn bản điện tử trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đã cấp đến tất cả bộ, ngành và các tỉnh, thành.

Cụ thể, theo số liệu của Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ, tính đến tháng 9/2019, cơ quan này đã cung cấp hơn 200.000 chứng thư số cho 95 đầu mối (gồm Văn phòng Trung ương Đảng, 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 địa phương) cùng 351 chứng thư số cho lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh.

Đối với chứng thư số công cộng, sau 10 năm phát triển, thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số đang có 10 doanh nghiệp hoạt động. Tính đến giữa năm 2019, các CA công cộng này đã cấp gần 2,7 triệu chứng thư số, trong đó số lượng chứng thư số đang hoạt động là trên 1,1 triệu chứng thư số. Đáng chú ý, trong hơn 1,1 triệu chứng thư số công cộng đang hoạt động, trong khi 100% doanh nghiệp đã sử dụng, thì số lượng chứng thư số cá nhân hiện nay chỉ khoảng 13.000, chiếm hơn 1,1% tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động.

Các chứng thư số công cộng đã được cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực chính như Thuế điện tử, Hải quan điện tử và Bảo hiểm xã hội điện tử, ngoài ra còn sử dụng trong các loại giao dịch khác trong tài chính điện tử (chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử), giao dịch ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng điện tử…

Thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số cá nhân sẽ bùng nổ

Đề cập đến những khó khăn trong việc triển khai và phổ biến chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo NEAC cho hay, hiện tại khó khăn lớn nhất là nhận thức về chữ ký số của người sử dụng, các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Mặt khác, các văn bản pháp lý trong các ngành, lĩnh vực khác nhau cần có quy định chấp nhận chữ ký số trên thông điệp dữ liệu (có giá trị tương đương chữ ký tay trên bản giấy).

Riêng với các cơ quan nhà nước, cần đẩy mạnh triển khai sử dụng chữ ký số, đại diện NEAC cho rằng, cần có sự chỉ đạo mạnh việc tổ chức triển khai các hệ thống thông tin quản lý khi các văn pháp quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử như Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử; Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Thông tư 41 ngày 19/12/2017 của Bộ TT&TT quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước; và Thông tư 01 ngày 24/1/2019 của Bộ Nội vụ quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.

Áp dụng hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh cá thể, chữ ký số cá nhân sẽ

Đại diện lãnh đạo NEAC nhấn mạnh, cần nhìn nhận thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng một cách tổng thể, với cả 3 thành phần quan trọng, không thể thiếu gồm CA công cộng, người sử dụng dịch vụ và các đơn vị cung cấp ứng dụng chấp nhận chữ ký số.

Đáng chú ý, Phó Giám đốc NEAC Phạm Quốc Hoàn thông tin, vào cuối tháng 9/2019 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68 hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử có sử dụng chữ ký số. Có văn bản này, việc áp dụng chữ ký số trong hóa đơn điện tử mới được chấp nhận và đưa vào sử dụng rộng rãi.

“Thông tư 68 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn điện tử, trong hóa đơn điện tử có nội dung các hộ kinh doanh cá thể phải ký số trên hóa đơn, cho nên việc dự kiến khoảng hơn 2 triệu hộ kinh doanh cá thể cũng phải sử dụng chữ ký số. Đây là quy định bắt buộc hộ kinh doanh cá thể phải triển khai chữ ký số nên dự kiến sẽ bùng nổ được thị trường chứng thực chữ ký số cá nhân”, ông Hoàn nhận định.

Cũng theo phân tích của ông Hoàn, công nghệ triển khai chữ ký số cũng đang dần được hoàn thiện, mở rộng đa dạng môi trường hơn. Hiện nay, cả Bộ TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ đang xây dựng các giải pháp công nghệ để có thể triển khai chữ kỹ số trên thiết bị di động, và các môi trường dịch chuyển khác thuận lợi cho người sử dụng mọi lúc, mọi nơi.

Đại diện lãnh đạo NEAC giải thích thêm: “Xét về mặt pháp lý triển khai chữ ký số công cộng đến thời điểm hiện tại là tương đối đầy đủ, nhưng các phương pháp kỹ thuật công nghệ thì đang còn có một chút hơi cứng nhắc. Bộ TT&TT hiện đang xây dựng các dự thảo Thông tư quy định về cung cấp dịch vụ chữ ký số trên nền tảng di động và cho phép ký từ xa, dự kiến sẽ được ban hành ngay trong năm nay. Khi Thông tư này được ban hành, bên cung cấp dịch vụ sẽ có căn cứ pháp lý để triển khai các giải pháp, có thể tạo ra sự bùng nổ dịch vụ chữ ký số di động trong thời gian tới”.