Tình trạng ca khúc bị hát sai lời ngày càng phổ biến, không chỉ ở ca sĩ trẻ mà kể cả giọng ca gạo cội. Và nhiều khi, hát sai mãi rồi thành… quen, đó là thực trạng hiện nay. Trước vấn nạn này, VietNamNet đã có các bài viết: Ca sĩ Phạm Thu Hà lên tiếng khi bị cho là hát sai lời 'Đất nước tình yêu'; 'Hát không để ý lời cũng giống nói mà không biết đang nói gì'; Ca sĩ hát sai lời: Ý thức kém, bảo sao không lộng giả thành chân? để người trong cuộc lên tiếng. Theo đó, độc giả của VietNamNet đã gửi nhiều ý kiến bày xung quanh hiện tượng hát sai lời.
Hát sai lời - người nghe khó chịu
Độc giả Phạm Thị Kim Anh tâm sự sau khi đọc thông tin “Ca sĩ Phạm Thu Hà lên tiếng khi bị cho là hát sai lời 'Đất nước tình yêu”: “Rất cám ơn ca sĩ Phạm Thu Hà, cám ơn nhạc sĩ Trần Lệ Giang, báo VietNamNet đã cung cấp những thông tin quý báu về một trong những bài hát đã thành kinh điển về tình yêu đất nước, về con người Việt Nam kiên cường, bất khuất, trong sáng, hào hùng trong lửa đạn chiến tranh.
Bài hát này cũng là bài "tủ" của tôi suốt mấy mươi năm thời trẻ khi còn là sinh viên đến lúc ra nghề biểu diễn trên các sân khấu nghiệp dư lớn nhỏ của nghề dạy học. Đúng là cái gì cũng phải biết tường tận để cảm hiểu chính xác, nhất là với những tác phẩm nghệ thuật lớn đã trở thành miền ký ức thiêng liêng của dân tộc”.
Theo bạn Nguyễn Trọng Thủy, “hiện nay nhiều ca khúc nổi tiếng của Việt Nam khi được trình bày đã bị tam sao thất bản sai về phần lời nên làm giảm giá trị của tác phẩm (ví dụ bài Cung đàn mùa xuân của Cao Việt Bách bản gốc là “Kìa đàn đã so dây, phím đàn đã lựa phím thì lại bị sửa là "Kìa đàn đã so dây cung đàn đã lựa phím". Hay trong bài “Tình ta biển bạc đồng xanh” có câu "Vì mùa xuân tương lai thắm tươi hồng" thì lại được hát là "Hỏi mà chia sao em cứ bông đùa" mất hẳn ý nghĩa của câu hát... Thật đáng buồn và thất vọng...
Với “Đất nước tình yêu“ do Phạm Thu Hà thể hiện, giọng hát thật trong sáng bay bổng, thiết tha, cảm xúc và đầy nội lực. Rất trân quí ca sĩ đã nghiên cứu, thể hiện thật thành công với bản gốc của tác phẩm, nâng tầm và chấp cánh cho bài hát được sống mãi theo thời gian”.
Độc giả AP.Relaxing Sounds lại hài hước: “Hiện nay có rất nhiều ca sĩ nghiệp dư hát sai lời, thậm chí sai giai điệu be bét... Các ca sĩ Youtube đó truyền bá kiểu đó nên định hướng sai cho khán giả. Đến khi có người hát đúng mới có ý kiến... dở khóc dở cười vậy!”.
Nhiều độc giả thẳng thắn phê phán những ca sĩ hát sai lời. Bạn CamYen Phan là một ví dụ khi nhận xét: “Ghét nhất các ca sĩ hát sai lời, không rõ chữ! Như vậy đừng hát còn hơn, hát lại gây khó chịu cho người nghe”. Độc giả Hai lúa ngoại thành chia sẻ: “Rất buồn nhiều nhạc phẩm hay giờ các vị cứ nhân danh “sáng tạo” làm sai lệch cả giai điệu nguyên bản của nhạc sĩ rồi nói là “làm mới” tác phẩm”.
Độc giả ĐỗQuang cho rằng, “hát sai lời là làm méo mó đi ca từ của nhạc phẩm! Các ca sĩ có hay, nhạc sỹ họ chọn từng từ kỹ lắm, hát sai một từ đã sang nghĩa khác rồi. Nhiều ca sỹ khoe giọng quá đà, hát cứ vống lên như khoe giọng tưởng hay, tưởng không thể chê vào đâu được. Nhưng khi hát nhạc đỏ, càng làm hỏng nhạc phẩm bởi giai điệu không chỉ cần vang mà cần cái sự sâu lắng”.
Nên có quy định xử phạt việc hát sai lời
Bạn Lê Thị Hoa Lan chia sẻ: “Là ca sĩ phải chuyên nghiệp, khi hát phải có trong tay bản nhạc bài hát. Thời đại 4.0 thì tìm thấy bản nhạc đâu khó. Tôi chẳng phải ca sỹ thế nhưng khi hát đều kiếm bản nhạc vì sợ hát sai lời”. Trong khi đó, theo độc giả Thanh Tùng, “ngô nghê nhất là ca sĩ "chuyển giới" cho nhân vật trong bài hát. Nhạc sĩ sáng tác cho tâm trạng người nam, nhưng ca sĩ nữ hát thì xưng "em" cho tất cả những từ "anh".
Ở một góc nhìn khác, theo bạn Phạm Viết Vãng Pvvang, “ca sĩ hát sai lời cũng đáng phê phán, nhưng sản phẩm quảng cáo trên truyền hình mượn bản nhạc để đặt lời mà không có ai xử lý?”. Bạn Tuấn Anh nhận định: “Lỗi ca sĩ 1, thì lỗi ông nhà đài và đạo diễn 10. Chương trình biễu diễn nghệ thuật mà các ông làm cứ như chương trình giải trí hàng tuần, game show. Làm ăn cẩu thả, bừa bãi khán giả toàn người cha chú, có học thức khi xem là người ta biết ngay cách làm việc”.
Độc giả Minh Quân CLC lại lo lắng: “Ca sĩ hát sai lời còn đỡ và dễ hiểu. Hiện nay ca - nhạc sĩ, nhất là lớp nổi tiếng trên mạng, viết lời Việt rất cẩu thả, thiếu hiểu biết, vô tâm với âm nhạc và xã hội. Chắc chỉ cần nhiều view. Ví như, sao có thể viết để hát lên được là "Hận đời cay đắng, tiếng yêu thua lợi danh”?!!”. Tương tự, bạn Hiên N. chia sẻ: “Giá mà làm được cuộc "nâng cấp" về ca hát của các ca sĩ trẻ thì tốt. Nhiều khi phải nghe mà phát.. mệt: hát sai lời, sai nhạc, sai nhịp, hát như không còn hơi, hát với giọng "mỏng dẹt", rồi "múa may", tạo hình… là chính. Làm lệch lạc thị hiếu của lớp trẻ”.
Bạn đọc Văn Xuân đề nghị: “Nên có quy định xử phạt việc hát sai lời này. Nếu có khiếu nại từ khán giả, nhạc sĩ… thì cơ quan chức năng ngành văn hóa cần xem xét. Nếu là sản phẩm băng đĩa thì thu hồi tiêu hủy, nếu là chương trình biểu diễn thì phạt. Xử lý theo luật tự khắc các nghệ sĩ sẽ có ý thức hơn”.
Cùng chung quan điểm, độc giả LuuHuy cho rằng, “khi cấp phép biểu diễn các chương trình cơ quan chức năng quy định rõ là phải biểu diễn đúng tác phẩm gốc, nếu không sẽ phạt nặng. Như vậy BTC và các ca sĩ sẽ phải có ý thức hơn”. Còn theo bạn Tú Minh Hà, “cứ phạt nếu phát hiện hát sai lời, chứ nhiều khi ca sĩ hát còn chẳng nghe rõ lời sao khán giả thông thường có thể phân biệt được đúng hay sai? Trừ khi ai đó hiểu rõ về bài hát mới phân biệt được”.
Đây cũng là quan điểm của nhiều độc giả như bạn Nguyễn Đức Nghĩa hay Nguyễn Toàn. Các bạn cho rằng, “khán giả tiếp cận với bài hát thông qua việc nghe ca sĩ hát, nếu lại hát sai lời lâu dần khán giả chỉ nhớ lời bị sai vậy thôi. Thế nên ngay trong các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật cần có quy định phải hát đúng lời, như một tôn chỉ trong nghề, để sau này khi biểu diễn mọi người phải lưu ý”; “cần tạo thành thói quen, quy tắc ứng xử có văn hóa cho các ca sĩ, khi trót hát sai lời cần chủ động công khai xin lỗi khán giả, tác giả bài hát. Chứ đừng để đến lúc khán giả ý kiến rồi lại biện minh lý do”…
Lê Cúc (tổng hợp)