Qatar là một quốc gia nhỏ xét từ khía cạnh địa lý (hơn 11.000km2), dân số (gần 3 triệu người) nằm ở phía Đông Bắc vùng duyên hải của bán đảo Ả Rập.
Đây là nước Hồi giáo theo chế độ quân chủ lập hiến dưới sự lãnh đạo của gia tộc Al Thani từ thế kỷ 19.
Tuy diện tích và dân số hạn chế nhưng Qatar là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới và thuộc top những nền giáo dục tốt nhất.
Giáo dục ở Qatar được hưởng lợi rất nhiều từ nguồn thu từ dầu mỏ. Các trường học đầu tiên trước khi bắt đầu hệ thống giáo dục hiện đại mang tính chất tôn giáo và thế tục. Các cậu bé học thuộc kinh Qur’an và các kỹ năng đọc viết cơ bản của tiếng Ả Rập.
Mãi đến năm 1952, khi Qatar bắt đầu xuất khẩu dầu mỏ, giáo dục phát triển hơn nữa thì các trường nữ sinh mới bắt đầu hoạt động.
Giáo viên được thiết kế chương trình giảng dạy riêng
Nền giáo dục Qatar thực sự khởi sắc vào những năm đầu thế kỷ 21, sau khi nước này nhận ra những thiếu sót của hệ thống giáo dục và tiến hành phong trào cải cách mang tên Giáo dục kỷ nguyên mới (EFNE) với khẩu hiệu “Sinh viên được đặt vào trung tâm của việc giảng dạy" và nguyên tắc “Dù bất kể điều gì xảy ra thì các yếu tố giáo dục cơ bản của một hệ thống phải dựa trên các tiêu chuẩn đặt ra”.
Để làm được điều này, các tiêu chuẩn chương trình giảng dạy mới đã được thiết lập từ lớp 1-12, đặc biệt là các môn Toán, Khoa học, Tiếng Anh và Tiếng Ả Rập. Phong trào cải cách yêu cầu vai trò lớn hơn đối với cả học sinh và giáo viên, đòi hỏi học sinh phải tích cực trong quá trình học tập và chịu trách nhiệm về việc học của mình.
Đồng thời, giáo viên trở thành người hướng dẫn và hỗ trợ thay vì là người truyền tải kiến thức đơn thuần. Giáo viên được linh hoạt thiết kế chương trình giảng dạy riêng và sử dụng các công cụ thích hợp để mọi học sinh có cơ hội “tham gia vào các trải nghiệm học tập có mục đích và thử thách trí tuệ”.
Đặc biệt, 2 điều quan trọng đối với cuộc cải cách là việc thiết lập mô hình trường học mới và nền tảng của cơ cấu tổ chức mới.
Về cơ bản, mô hình trường học mới dựa trên ý tưởng phân cấp giáo dục và chuyển đổi các trường công lập thành trường do chính phủ tài trợ nhưng hoạt động độc lập, được gọi là "trường độc lập". Các trường độc lập được quản lý dựa trên 4 nguyên tắc chính:
(1) Quyền tự chủ: Hoạt động một cách tự chủ, tuân theo các điều kiện quy định giáo dục chung.
(2) Trách nhiệm giải trình: Chịu trách nhiệm trước chính phủ thông qua các cuộc kiểm tra và cơ chế báo cáo thường xuyên, cũng như đánh giá học sinh, phản hồi của phụ huynh và các biện pháp khác.
(3) Đa dạng: Tự do xác định triết lý giáo dục và kế hoạch hoạt động của mình.
(4) Lựa chọn: Cho phép phụ huynh chọn trường phù hợp nhất với nhu cầu của con họ.
Về cơ cấu tổ chức, việc đi học chính thức bắt đầu vào năm 1956. Năm 2002, Hội đồng giáo dục tối cao (SEC) được thành lập, chịu trách nhiệm thiết lập chính sách giáo dục và chỉ đạo thực hiện phong trào cải cách mới.
SEC thành lập 3 viện mới; Viện Giáo dục, Viện Đánh giá và Viện Giáo dục đại học để giúp công tác quản lý giáo dục quốc dân:
- Viện Giáo dục: kiểm soát và hỗ trợ các trường độc lập, xây dựng các tiêu chuẩn chương trình quốc gia, cung cấp các chương trình phát triển nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý.
- Viện Đánh giá: giám sát hoạt động của các trường, xây dựng chương trình đánh giá quốc gia, chuẩn bị báo cáo hàng năm và vận hành hệ thống dữ liệu giáo dục quốc gia.
- Viện Giáo dục dại học (HEI): chịu trách nhiệm phát triển giáo dục đại học, kỹ thuật và dạy nghề, hướng dẫn sinh viên lựa chọn nghề nghiệp và cung cấp các chương trình học bổng học thuật trong các lĩnh vực mang lại lợi ích trực tiếp cho xã hội và nền kinh tế.
Trong mô hình cấu trúc này, Bộ Giáo dục (MoE) chịu trách nhiệm chính về các trường thuộc Bộ. Cho đến năm 2016, các trường độc lập được kiểm soát bởi SEC và các trường tư do MoE quản lý.
Tuy vậy, đầu năm 2016, Chính phủ đã thực hiện những thay đổi lớn về cơ cấu, SEC đã bị bãi bỏ, Bộ Giáo dục và đại học (MoE-HE) chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh của giáo dục.
Các trường quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong phân khúc giáo dục tư nhân, với khoảng 338 trường dạy chương trình quốc tế đang hoạt động trong cả nước.
Qatar đứng đầu danh sách các quốc gia Ả Rập trong Chỉ số chất lượng giáo dục thế giới của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2021. Qatar đứng thứ 4 trên thế giới và số 1 trong khu vực Ả Rập về chất lượng giáo dục, tiếp theo là UAE ở vị trí thứ 2 trong khu vực và thứ 10 trên thế giới, Lebanon đứng thứ 3 trong khu vực Ả Rập và thứ 25 trên thế giới. |
Bảo Huy