Những ngày đầu virut corona “xâm nhập” vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố “Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân”, thể hiện quyết tâm rất cao chống lại dịch bệnh.

Những gì diễn ra sau đó cho thấy, các hoạt động kinh tế bị tác động mạnh là điều khó tránh khỏi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến hai kịch bản tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Cả hai kịch bản, tăng trưởng đều rất “căng”.

Kịch bản 1: Nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với NQ01), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.

{keywords}
Trong một trung tâm thương mại nổi tiếng ở quận Bình Thạnh (thành phố HCM) thưa thớt bóng người trong những ngày dịch bệnh. Ảnh: T.Tùng/VietNamNet

Kịch bản 2: Nếu dịch Corona được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với NQ01), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn, khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Nhưng, những khiếm khuyết lâu nay của nền kinh tế, đơn cử, như sự phụ thuộc vào Trung Quốc ở cả hai chiều xuất – nhập đã khiến hoạt động sản xuất đứng trước nguy cơ đình đốn. Trái cây rớt giá thê thảm, nông sản ùn ứ.

Cảnh tượng này không mới. Sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã khiến cho cảnh “được mùa rớt giá”, “ách tắc ở cửa khẩu” thường xuyên diễn ra, từ năm này qua năm khác. Đáng nói, phần lớn nông sản Việt sang Trung Quốc lại đi theo đường “trao đổi cư dân biên giới”, tiểu ngạch, chứ ít mặt hàng xuất khẩu theo đường chính ngạch. Do đó, mỗi lần Trung Quốc thay đổi chính sách, là một lần nông sản lâm cảnh “giải cứu”.

Tình huống này đã tái hiện khi virut corona tung hoành. Bị chặn đường xuất khẩu theo phương thức “trao đổi cư dân biên giới”, nông sản Việt cũng chẳng thể xuất theo đường chính ngạch do thói quen “dưa hấu lót rơm rạ”. Thói quen xuất khẩu “nhanh – nhiều – dễ” làm cho nông sản Việt vẫn chỉ quẩn quanh bán cho “người hàng xóm”, số lượng xuất được sang các thị trường khó tính khác với giá trị gia tăng cao hơn dù có cải thiện vẫn chưa đạt như mong muốn. Vậy nên, hàng chục hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, song nông sản Việt vẫn chật vật tìm đầu ra.

Còn ở chiều nhập khẩu, việc phụ thuộc vào tư liệu sản xuất có xuất xứ Trung Quốc đã khiến nhiều ngành hàng lâm cảnh “đói” nguyên liệu. Dệt may, da giày, điện thoại, máy tính… đều có nguồn linh kiện, nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu hơn 253 tỷ USD, thì có tới hơn 75 tỷ USD là nhập từ Trung Quốc, trong đó nguyên vật liệu, máy móc chiếm tỷ trọng lớn.

Cho nên, khi các hoạt động sản xuất của Trung Quốc còn ngưng trệ vì virus corona, thì các ngành hàng ở Việt Nam cũng chịu tác động lớn. “Đói” nguyên liệu sẽ là điều nhiều ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt nếu tình hình chậm cải thiện.

Công ty LG thông tin nếu dịch Corona không được ngăn trong vòng 2 tuần tới, sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại Cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020. Còn với Formosa, việc không thể nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Apple dự kiến tăng xuất khẩu ở Việt Nam 30% trong năm 2020, tuy nhiên sản lượng của Apple lại phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG… Do đó, sản lượng của các công ty này giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Apple tại Việt Nam.

Những dẫn chứng ấy được Bộ kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong báo cáo chính thức gửi Chính phủ.

Điều đó cũng đặt ra câu chuyện về năng lực cạnh tranh, về sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Đó không phải là câu chuyện mới, mà đã tồn tại suốt hàng chục năm nay. Tư duy “thiếu thì nhập” đã khiến nhiều ngành phụ thuộc tới 60-70%, thậm chí 90% vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Điều đó cũng khiến hàng hóa không tận dụng các ưu đãi trong những hiệp định thương mại tự do bởi không đảm bảo quy tắc xuất xứ.

“Tác động của dịch bệnh Corona chủ yếu đến ngành chế biến, chế tạo, ảnh hưởng tiêu cực đến những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất ở Việt Nam”, đó là đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phát triển công nghiệp với tác động của dịch corona.

Sự xâm nhập của virut corona hôm nay chỉ nhắc lại những cảnh báo về một nền sản xuất quá phụ thuộc vào một đối tác. Nó tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc thiếu đi những quyết tâm và hành động để thay đổi căn bản sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Dịch bệnh do virus corona gây ra sớm hay muộn cũng sẽ được đẩy lùi. Nhưng nếu chúng ta thiếu đi những hành động để lấp khoảng trống, đưa nền kinh tế đi lên, thì những khiếm khuyết hôm nay chẳng khác gì những con virus làm ốm yếu nền kinh tế trong khi đã phơi ra với rất nhiều FTA.

Lương Bằng