Mỗi ngày 1 người dân Huế dành 35 phút dùng Hue-S

Là ứng dụng di động được xây dựng theo hướng siêu ứng dụng, Hue-S được đưa vào vận hành thí điểm từ tháng 6/2018 và hoạt động chính thức vào tháng 5/2019. Ứng dụng này vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp vừa ứng dụng chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước của tỉnh.

Đến nay mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S đã trở thành niềm tự hào của Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai chuyển đổi số. Theo số liệu giám sát của Bộ TT&TT, Hue-S hiện đã có gần 800.000 lượt tải, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh với thời gian sử dụng trung bình 35 phút mỗi người/1 ngày. Tính riêng năm 2021, đã có hơn 17,4 triệu lượt truy cập. Hue-S cũng đã thu hút hơn 10 tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia tích hợp các dịch vụ.

Trong hơn 15 dịch vụ đang được cung cấp trên nền tảng Hue-S, phản ánh hiện trường là dịch vụ nổi bật chiếm khoảng 35% hoạt động trên nền tảng. Sau 3 năm triển khai dịch vụ này, đã có hơn 58.000 phản ánh với 226 đơn vị tham gia hệ thống được tiếp nhận. Số phản ánh đã được xử lý chiếm hơn 97% tỷ lệ hài lòng và chấp nhận chiếm hơn 80%. Thời gian xử lý các phản ánh của người dân rút ngắn từ 60 đến 70%, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước hơn 7,7 tỷ đồng tiền in giấy tờ, văn bản.

{keywords}
Theo đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, việc làm sao để Hue-S thân thiện với người dùng là việc khó song đây là một bậc thang trưởng thành.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai các dịch vụ đô thị thông minh qua nền tảng Hue-S, tuy nhiên ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia thuộc Bộ TT&TT cho rằng nền tảng số này trong thời gian tới cần được tiếp tục phát triển để gần gũi, thân thiện hơn với người dùng.

Cụ thể, theo phân tích của ông Đỗ Công Anh, trong thời gian đầu, chỉ một số ít dịch vụ được cung cấp lên Hue-S, người dân thấy thuận tiện, dễ dùng. Tuy nhiên, theo dòng thời gian phát triển, các dịch vụ công, các tiện ích được cung cấp ngày càng nhiều, giao diện sẽ dần trở lên phức tạp, đôi khi rất khó sử dụng, rất khó tìm kiếm những dịch vụ mà người dùng mong muốn.

Trong khi đó mỗi người dân lại có những nhu cầu khác nhau. Vì thế, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia khuyến nghị, Hue-S chỉ có thể trở nên thân thiện khi có thể cá nhân hóa với từng người, khi có thể gợi ý, hướng dẫn, hỗ trợ ngay khi người dân cần.

“Để Hue-S thân thiện hơn là một việc khó, nhưng nó là một bậc thang trưởng thành. Phải có dữ liệu, phải có trí tuệ nhân tạo, phải đầu tư nghiên cứu hành vi người dùng”, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia nêu quan điểm.

Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Xuân Sơn cũng thừa nhận rằng quả thật sau hơn 3 năm phát triển, tính hợp nhiều dịch vụ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chuyển đổi số, nền tảng Hue-S đôi lúc khiến người dân rơi vào tình trạng rối.

Nền tảng Hue-S sẽ được cá thể hóa đến từng người dân

Nhận thức rõ vấn đề trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định việc tái cấu trúc để nền tảng Hue-S đơn giản, thuận tiện hơn với người dùng là một nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Thực tế, việc này đã và đang được đơn vị quản lý vận hành Hue-S là Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Hue-S được xác định là nền tảng số đặc thù thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian vừa qua, Sở TT&TT đã tổ chức tái cấu trúc lại một bước cơ bản nền tảng này.

Hiện giao diện nền tảng Hue-S được chia ra 5 khối ứng dụng rõ ràng để tiếp cận người dân đúng mục tiêu và đơn giản hơn, gồm khối truyền thông, nâng cao nhận thức, tạo kỹ năng số hướng tới xây dựng công dân số; khối các dịch vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số; khối kết nối hình thành và phát triển xã hội số; khối xây dựng chính quyền số; và khối cá thể hóa người dùng.

“Chúng tôi tập trung vào các dịch vụ phục vụ cho người dân mà họ có thể tiếp cận nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu nhất, hạn chế những dịch vụ mang tính chất liên kết, rườm rà, gây khó cho người dân”, ông Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ.

{keywords}
Khi người dùng chọn vai trò là khách du lịch, giao diện Hue-S sẽ chỉ hiển thị các thông tin, ứng dụng cần thiết cho khách du lịch.

Đáng chú ý, để giải quyết tình trạng người dân bị rối khi nền tảng tích hợp và hiển thị nhiều ứng dụng trên giao diện, đơn vị vận hành Hue-S đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp hiển thị các ứng dụng cung cấp theo vai trò người dùng truy cập.

Hiện phiên bản mới của Hue-S đã cập nhật, có 3 nhóm đối tượng sử dụng gồm công dân, doanh nghiệp, khách du lịch. Khi người dùng chọn 1 nhóm, nền tảng chỉ hiển thị những chức năng cần thiết cho nhóm đối tượng đó. Chẳng hạn, khi chọn vai trò là khách du lịch thì toàn bộ hoạt động ứng dụng, thông tin cho người dùng sẽ chuyển đổi hẳn qua giao diện dành cho khách du lịch.

Thời gian tới, đội ngũ vận hành Hue-S sẽ triển khai cá nhân hóa đến từng người dùng, khi đó mỗi người dùng có thể lựa chọn hiển thị những dịch vụ mà mình quan tâm; nhận các thông tin, nội dung cảnh báo theo nhu cầu.

Vân Anh

Kiến tạo mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm

Kiến tạo mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Thừa Thiên Huế đã từng bước kiến tạo nên một mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số vì cuộc sống tốt đẹp hơn.