Dựa trên luật mới ban hành, khách du lịch nước ngoài một mình hoặc theo nhóm dù mới hay giàu kinh nghiệm cũng phải thuê một hướng dẫn viên đã được cấp phép đi cùng và xin giấy phép từ một công ty lữ hành. Luật này không áp dụng với công dân Nepal.

“Khi du lịch một mình, trong những trường hợp khẩn cấp sẽ không có ai giúp đỡ”, Mani R. Lamichhane, người đứng đầu Hiệp hội Du lịch Nepal chia sẻ sẽ ổn nếu du lịch ở các thành phố, nhưng ở những vùng núi xa xôi, cơ sở hạ tầng không đủ. Khi khách du lịch mất tích, ngay cả chính quyền cũng khó tìm thấy vì họ đã tới những vùng xa xôi. Nhiều người được tìm thấy khi đã chết. Luật này đưa ra để tốt cho du khách."

Du khách leo núi tại Nepal. Ảnh: Shutterstock

Theo đó, Chính phủ Nepal ban hành lệnh cấm đi bộ đường dài một mình ở 12 vườn quốc gia trên khắp đất nước bao gồm những con đường mòn phổ biến nhất của quốc gia này như cung đường Annapurna dài 145 dặm.

Quyết định này nhằm hạn chế tình trạng gặp tai nạn, hoặc mất tích của du khách tại các khu vực có địa hình hiểm trở. Du khách vẫn được phép tự túc với các hành trình bên ngoài vườn quốc gia, như xung quanh thành phố Kathamandu. Luật mới có hiệu lực từ 1/4.

Hội đồng Du lịch Nepal cho biết lệnh cấm du khách một mình lên đỉnh Everest đã được áp dụng từ trước. Lệnh mới được mở rộng phạm vi toàn quốc nhằm ngăn chặn khách du lịch không đủ kinh nghiệm, tránh tình trạng gặp tai nạn hoặc mất tích khi leo núi.

Các hướng dẫn viên du lịch địa phương cho biết mỗi năm có hàng chục khách du lịch mất tích khi đi bộ đường dài trên những địa hình núi non hiểm trở của Nepal. Việc tìm kiếm, giải cứu tốn kém và đôi khi không thể thực hiện được.

Khi chi phí du lịch ở mức du khách có thể chi trả, hoạt động leo núi, đi bộ ngày một phổ biến hơn. Với các quốc gia như Nepal nơi có 8/10 số đỉnh núi cao nhất thế giới thì điều này đã dẫn đến những cảnh tượng không thể tượng tượng được như ùn tắc trên đỉnh Everest. Điều này có thể gây nguy hiểm cho những người đã thấm mệt vì leo núi, khiến họ mất nhiều thời gian trong điều kiện thiếu oxy ở những vùng núi cao. 

Vào năm 2019, gần 300.000 nhà leo núi tới Nepal để đi bộ đường dài, trong đó có gần 46.000 người đi một mình. Họ thích leo núi một mình để tiết kiệm chi phí hay tự do khám phá. Nhưng điều này có thể gây nguy hiểm cho khách du lịch vì địa hình hiểm trở, sự thay đổi nhiệt độ, khiến mọi người dễ bị lạc đường hoặc mắc kẹt.

Nhiều công ty lữ hành đồng tình với quyết định này của Hội đồng Du lịch Nepal, cho rằng đây là “một chiến thắng cho sự an toàn của khách du lịch và nền kinh tế đất nước" . Một số khác lo ngại rằng điều luật này sẽ làm tăng chi phí du lịch khiến khách tới Nepal ít hơn trong khi nền kinh tế quốc gia này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Theo World Bank ở quốc gia trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới này, ngành du lịch chiếm gần 7% GDP.

Nilhari Bastola, Chủ tịch Hiệp hội các Công ty Leo núi Nepal nói chính sách mới giúp ngăn ngừa tai nạn và có thể tạo ra 40.000 việc làm mới cho người dân. Ông cho rằng lệnh cấm không ảnh hưởng đến ngân sách của khách du lịch vì việc thuê hướng dẫn viên chỉ tốn trung bình 25 đến 50 USD/ngày. Chính sách một du khách/một hướng viên sẽ tạo ra nhiều việc làm. Điều đó tốt cho nền kinh tế của Nepal.

Theo Washington Post