Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ khoảng 70.000 hiện vật từ thời kỳ đồ đá cho đến hiện đại cùng với đó là những thách thức để tăng cường sức hấp dẫn với công chúng, nhất là giới trẻ.
Các chuyên gia, nhà văn hóa, nhà quản lý chia sẻ về nét độc đáo của văn hóa Hà Nội được thể hiện trong mạng lưới không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội ở toạ đàm Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại.
Tại toạ đàm, các diễn giả đã phân tích, đánh giá những thay đổi cơ bản định hướng văn hóa Thủ đô, khi Kế hoạch số 266/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024-2025 được triển khai. Đồng thời, bàn luận về những yếu tố truyền thống trong không gian sáng tạo và nhận thức của người trẻ; sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong hoạt động sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội...
Theo TS. Nguyễn Quang, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Với Hà Nội, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của Thủ đô. Hiếm có thành phố nào có bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa với nguồn tài nguyên, “lớp lang” phong phú như Hà Nội. Đó là chưa kể, hệ sinh thái sông hồ, tài nguyên con người... Đây chính là nguồn lực, tiềm năng mà nếu biết cách khai thác sẽ tạo nên động lực to lớn.
Giáo sư, viện sĩ, họa sĩ Ngô Xuân Bính cho rằng, văn hiến của dân tộc Việt Nam được lưu giữ đến ngày nay trong những câu chuyện lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… đó là tài sản tinh thần vô cùng to lớn, là "mạch dẫn" cho các hoạt động sáng tạo trong bối cảnh hội nhập.
Trong quá trình sáng tác, họa sĩ Ngô Xuân Bính luôn lấy cảm hứng từ những huyền thoại, cổ tích, hò vè, lời ru của bà, của mẹ. Ông mong muốn thế hệ trẻ có thể kết nối văn hóa truyền thống của Hà Nội thông qua những hoạt động sáng tạo.
"Để làm được như vậy, Thủ đô cần đẩy mạnh các không gian sáng tạo - mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa", hoạ sĩ Ngô Xuân Bính bày tỏ.
Các diễn giả chỉ ra rằng, không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô. Cùng với đó là những thách thức để tăng cường sức hấp dẫn của hoạt động sáng tạo và thu hút nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Và khi di sản văn hóa của Hà Nội không ngừng phát triển, Bảo tàng Hà Nội có định hướng trong việc cập nhật và làm mới không gian sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của công chúng trong tương lai.
Nằm trong chuỗi kế hoạch hoạt động của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sáng ngày 10/11 sẽ diễn ra triển lãm gốm nghệ thuật Hiện linh của hoạ sĩ Ngô Xuân Bính tại không gian sáng tạo sân vườn của Bảo tàng Hà Nội.
Trưng bày giới thiệu gần 200 tác phẩm gốm điêu khắc lần đầu ra mắt của hoạ sĩ Ngô Xuân Bính với cách thể hiện, công nghệ mới chưa xuất hiện tại bất kỳ một cuộc triển lãm nào tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất trong chuỗi các hoạt động tại không gian sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội.
Triển lãm "Hương sắc Thăng Long" tôn vinh vẻ đẹp đất và người Thủ đô với những giá trị văn hóa riêng có của kinh kỳ nghìn năm văn hiến dưới sự thể hiện của nghệ thuật thư pháp.
"Phạm Bình Chương dành cả thanh xuân cho tình yêu nghệ thuật, cho một đề tài duy nhất, anh xứng đáng được tôn vinh ở một giải thưởng nào đó vì tài năng và nỗ lực này", hoạ sĩ Thành Chương khẳng định.