Trong một bài viết mới đây, ThS. Trần Thị Hợi Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: Trước đây, khi nói đến đạo đức trong Đảng, chúng ta mới chỉ quan tâm đến việc xây dựng, củng cố những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên như: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương yêu con người, tinh thần quốc tế trong sáng. Đó là một nội dung rất quan trọng nhưng chưa đầy đủ.

Nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh có thể thấy, Người không chỉ đề cập đến đạo đức của cán bộ, đảng viên với tư cách là thành viên của tổ chức mà Người còn quan tâm đến đạo đức của tổ chức đảng, nơi mà mỗi cá nhân in đậm dấu ấn của mình, thể hiện tư duy, đạo đức và hành động của mình. Do đó, vận dụng tư tưởng của Người, bên cạnh việc xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên còn cần phải chú trọng đến xây dựng đạo đức của tổ chức đảng. Có thể lý giải điều này như sau:

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội bao gồm hệ thống các quy tắc, chuẩn mực nhằm điều chỉnh nhận thức, hành vi và đánh giá cách ứng xử của cá nhân và của tập thể, tổ chức trong quan hệ với nhau, quan hệ với xã hội và quan hệ với giới tự nhiên để bảo vệ lợi ích của cá nhân và của cộng đồng, đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững.

{keywords}
Bình Dương xác định công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá. Ảnh minh họa. Bích Hạnh

Đạo đức dưới khía cạnh là hành vi đạo đức, là hành động của cá nhân thể hiện quan niệm của cá nhân về nghĩa vụ đối với xã hội và đối với người khác, thể hiện lương tâm hoặc bổn phận của cá nhân trong những hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh không chỉ nói đến đạo đức cá nhân, mà Người còn nói đạo đức của cộng đồng, đạo đức của tổ chức.

Người nhắc đến đạo đức của dân tộc: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái” hay “Một dân tộc đã tự cường, tự lập, dân chủ cộng hoà thì không làm những việc nhỏ nhen, báo thù báo oán” và “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Nói về đạo đức của Đảng Cộng sản Việt Nam, người nói đến “tư cách của đảng chân chính cách mạng” và chỉ ra những tiêu chỉ cụ thể để đánh giá tính chân chính của tổ chức đảng. Đây là nét sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh trong quan niệm về đạo đức.

Như vậy, về mặt nhận thức, Hồ Chí Minh không chỉ quan niệm xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, Người còn quan tâm đến các chuẩn mực đạo đức của tổ chức đảng. Hay nói cách khác, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản và của tổ chức đảng chân chính cách mạng trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa đạo đức nhân loại. Đạo đức cách mạng là một nền đạo đức mang tính nhân văn và tiến bộ. Do đó, nếu xây dựng Đảng mà chỉ quan tâm đến đạo đức của cá nhân cán bộ, đảng viên, bỏ qua đạo đức của tổ chức đảng sẽ là chưa toàn diện.

Về nội dung

Thứ nhất, Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối quan hệ giữa đạo đức của tổ chức đảng và đảng viên. Người nêu câu hỏi: “Đảng là ai” và Người trả lời: “Đảng là mỗi chúng ta", “Lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt”. Cán bộ, đảng viên cấu thành nên tổ chức đảng, mỗi đảng viên đều phải tham gia sinh hoạt chính trị trong tổ chức đảng. Do đó vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ đảng viên. Đạo đức của Đảng thể hiện trực tiếp và sinh động thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Nhân dân cũng hoàn toàn có lý khi đánh giá đạo đức của Đảng thông qua đạo đức của những cá nhân đảng viên cụ thể, nhất là những đảng viên mà họ biết đến hay tiếp xúc nhiều nhất.

Tuy nhiên, Đảng là một tổ chức, một khối đoàn kết và thống nhất để lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân. Một tổ chức đảng chân chính cách mạng là môi trường thuận lợi cho những cái tốt, cái đẹp, cái đạo đức sinh sôi, nảy nở và lan tỏa trong mỗi người cũng như trong cộng đồng. Đó cũng là nơi tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng, là nơi kiểm điểm, phê bình, góp ý đảng viên, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên về đạo đức. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức vì thế có vai trò không thể thiếu của tổ chức đảng và cấp ủy các cấp. Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi chi bộ, mỗi cấp ủy đảng phải luôn tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, bảo đảm chặt chẽ kỷ luật và tổ chức của Đảng. Tổ chức đảng và cấp ủy phải chịu trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Người khẳng định: “Các cấp ủy phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đảng viên. Từ nay trở đi công tác giáo dục đảng viên phải là một điều quan trọng trong chương trình công tác của cấp ủy”. Tổ chức đảng các cấp cũng phải chịu trách nhiệm về việc suy thoái, vi phạm đạo đức của cán bộ, đảng viên trong tổ chức của mình. Nếu trong tổ chức đảng có đảng viên vi phạm thì trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy của tổ chức. Khi nói với tội tham ô, lãng phí của cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Các cấp ủy cùng với cán bộ cần tìm cho ra gốc rễ tham ô, lãng phí và xử trí đúng mức”.

Rõ ràng, xây dựng đạo đức của tổ chức đảng và đạo đức của đảng viên có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau, không thể bỏ qua mặt nào.

Thứ hai, Hồ Chí Minh không những đã chỉ ra những quy tắc, chuẩn mực đạo đức để cán bộ, đảng viên của Đảng phải tu dưỡng, rèn luyện mà Người còn chỉ ra những quy tắc, chuẩn mực đạo đức của tổ chức đảng cần phải xây dựng với cách tiếp cận về tiêu chí của “một đảng chân chính cách mạng”, gồm 12 điều trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947)1. 12 điều cần phải xây dựng ấy có thể tóm gọn lại thành những tiêu chí đạo đức cụ thể như sau:

- Xây dựng đạo đức trong tôn chỉ, mục đích hoạt động của Đảng: Đảng phải làm tròn sứ mệnh giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Đó là chuẩn mực đạo đức cao nhất.

- Xây dựng đạo đức trong nghiên cứu, vận dụng nền tảng lý luận của Đảng: Sự giác ngộ về cách mạng, về Chủ nghĩa Mác - Lênin, về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là sự khởi đầu cho sự hình thành tư cách người cán bộ cách mạng. Lý luận đúng đắn sẽ giúp mỗi cá nhân nhận ra sai lệch trong tư tưởng, nhận thức và hành động; khắc phục những biểu hiện như: phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi nền tảng tư tưởng của Đảng...

- Xây dựng đạo đức trong đường lối của Đảng: Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội để đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đó là điểm căn cốt, là vấn đề then chốt. Nắm vấn đề then chốt, giữ vững vấn đề then chốt, dựa trên cái then chốt để giải quyết linh hoạt, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế là yêu cầu đối với xây dựng đường lối của Đảng đó chính là đạo đức.

- Xây dựng đạo đức trong mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân: Đảng phải phát huy vai trò của Nhân dân, “phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị”. Đảng phải chăm lo lợi ích của nhân dân, “luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng”.

- Xây dựng đạo đức trong tổ chức và kỷ luật của Đảng: Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo”, đồng thời phải tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài Đảng, phải giữ kỷ luật nghiêm minh từ trên xuống dưới.

- Xây dựng bản lĩnh trước những sai lầm, khuyết điểm của Đảng: Sai lầm, khuyết điểm của Đảng, nhất là đảng cầm quyền là điều không thể tránh khỏi. Thái độ đúng đắn, khách quan, khoa học của Đảng trước những sai lầm, khuyết điểm đó là: công khai thừa nhận, “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình” và kiên quyết sữa chữa.

Thứ ba, vì quan tâm đến nội dung xây dựng đạo đức của tổ chức đảng, cho nên trong quan niệm của Hồ Chí Minh chủ thể tiến hành xây dựng Đảng về đạo đức không chỉ là cán bộ, đảng viên mà còn từ phía tổ chức đảng và các cấp ủy. Đồng thời, Người đưa ra những chỉ dẫn quan trọng để tổ chức đảng và các cấp ủy phát huy vai trò của mình trong xây dựng Đảng về đạo đức.

Nhìn lại toàn bộ di sản của Người, có thể thấy vai trò của cấp ủy và tổ chức đảng trong xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, trong công tác nghiên cứu và vận dụng lý luận, trong việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, trong phát huy dân chủ, tự phê bình và phê bình, trong công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên… Đây đều là những giải pháp quan trọng để tổ chức đảng xây dựng những chuẩn mực đạo đức.

Bích Hạnh (tổng hợp)