Manga hay còn được gọi là truyện tranh Nhật Bản là loại hình giải trí bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ khoảng gần giữa thập niên 90 thế kỷ trước, ở thời điểm khi ấy, các bộ truyện Manga được biết tới nhiều nhất có lẽ chính là Thủy thủ mặt trăng (Sailor Moon), Tiến sĩ Slum (Dr. Slump), Đôrêmon, Dấu ấn rồng thiêng, Ninja loạn thị (Rakudai Ninja Rantarou).

Nổi bật trong số đó có lẽ phải kể tới bộ truyện huyền thoại 7 Viên Ngọc Rồng (Dragon Ball) của tác giả Toriyama Akira, thứ về sau được ví như một con thuyền chở đến cho giới trẻ thế hệ 8x, 9x đời đầu biết bao ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, khiến biết bao chàng trai năm ấy tới giờ vẫn dâng trào cảm hứng, đan xem sự xúc động mạnh mẽ mỗi khi nhớ về.

Do vậy trước tâm sự khá "dị" dưới đây của Vương Huy Hoàng - một fan nghiền lâu năm dòng truyện 7 Viên Ngọc Rồng và dòng truyện Tây Du Ký, có lẽ nó cũng không nằm ngoài trường hợp ngoại lệ. Đặc biệt thân phận của tác giả được hé lộ phía cuối bức thư chắc chắn sẽ khiến cho không ít bạn đọc phải bất ngờ.

7 Viên Ngọc Rồng (Dragon Ball) - bộ truyện Manga đã ươm mầm tuổi thơ đẹp cho không ít thanh niên Việt Nam thế hệ 8x, 9x đời đầu.

Nhớ ngày ấy mình vẫn còn là một cậu học sinh lớp 3, lớp 4, quyển truyện 7 Viên Ngọc Rồng đầu tiên mình được đọc là tập mang tên "Con trai của SonGoKu" tìm được trong căn phòng bừa bộn của ông anh trai quý hóa. Tò mò đọc xong tập này rồi, thực sự mà nói mình chẳng hiểu mô tê gì hết, nhưng vì thích những cảnh các nhân vật đấu võ trong truyện nên hứng chí... dọn dẹp lại toàn bộ phòng cho ông anh, chỉ để tìm xem những tập truyện trước nằm ở đâu. Cứ như vậy, ngày định mệnh hôm đó mình trở thành một fan nghiền truyện 7 Viên Ngọc Rồng lúc nào chẳng hay.

Thời ấy khi chưa có game, truyện tranh là một nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ cho biết bao đứa trẻ giống như tôi.

Mà các anh em từng trải thời ấy như mình hẳn cũng biết rõ, trẻ con thời đó làm gì được nhiều thứ giải trí như trẻ con thời hiện tại đâu, khi trong xóm, nhà đứa nào được bố mẹ mua cho một chiếc đầu máy chơi game bốn nút thôi đã là một thứ siêu xa xỉ, những đứa kém hơn một chút thì chỉ có đồ chơi, kém hơn chút nữa thì chỉ có vài quyển truyện tranh, kẹo ngọt làm quý hóa. Và anh em tôi thì thuộc hàng kém thứ 3.

Hồi ấy, các quán thuê truyện tranh trong mắt mọi người cũng có độ "Hot" y chang các quán Net thời hiện tại.

Nghĩ lại cũng thấy mình thật may mắn khi có được ông anh là fan mê truyện trước cả mình, anh cũng là người đều đặn mỗi tuần, canh giờ dậy thật sớm rồi chạy vượt 2 con phố dài, mong tới được sạp báo kịp mua kỳ truyện mới, sợ nếu ra trễ thì truyện sẽ bị đám nhóc phố kế bên mua hết mất.

Bao năm tháng ròng rã trôi qua, anh em tôi vẫn tự hào vì vẫn giữ được trọn bộ truyện tranh đã giúp viết nên tuổi thơ đẹp cho cả hai.

Giờ nghĩ lại mình cũng thêm một cái vui, vì để ý ngày xưa truyện 7 Viên Ngọc Rồng được nhà xuất bản Kim Đồng in ấn bằng chất liệu giấy mỏng, cơ mà thiết kế ảnh bìa hút mắt gấp 2-3 lần các ấn bản chỉnh sửa về sau này. Hơn nữa hồi đó giá bán của mỗi quyển cũng chỉ từ 3.000 - 3.500 VND nên đứa nhóc "hẻo" tiền nhất cũng sẽ tự mua được cho mình một tập truyện nếu nó thích, số tiền chỉ bằng 2-3 ngày nhịn ăn sáng là có thể mua được truyện tranh rồi! (Ngày đó mình nhớ 1.000 VND là đã có thể mua được một nắm xôi gấc ăn sáng rồi nhé!).

Anh em tôi thời ngày xưa cũng khoái đọc bộ truyện này lắm nè! Cười muốn rụng rốn!

Không thì cũng có thể chạy vội tới hàng cho thuê truyện tranh đọc với giá 500đ/ quyển, rồi cái cảm giác truyện hiếm, một đống lóc nhóc chúng tôi phải xúm quanh một đứa cầm truyện, đám nhóc chúng tôi như cùng nhịp thở, cùng một ánh mắt với nhau khi hồi hộp theo dõi cuộc chiến sinh tử giữa Songoku và Fide Đại Vương ở hành tinh Namek qua từng trang truyện.

 

Để rồi khi truyện kết thúc mà không rõ số phận của "khỉ con" Goku sống chết ra sao, đứa trẻ là tôi lại nằm lăn ra đất, giãy khóc ăn vạ anh trai của tôi chỉ vì anh là người đi mua truyện trễ. Chắc hẳn nhiều anh em sẽ thấy câu chuyện chia sẻ này từ tôi nó khá buồn cười, nhưng cho tới giờ, tôi vẫn thèm lắm một ngày, chỉ một ngày thôi được quay trở lại quãng đời con nít vô tư đó của mình. Mà này, ai trong chúng ta chẳng mong muốn được như vậy phải không?

Nếu 7 Viên Ngọc Rồng ấy là có thật thì khi tìm được, anh em sẽ ước điều gì?

 

Chẳng ai đánh thuế được những sự mơ mộng cả, đặc biệt với những đứa nhóc thích mê truyện 7 Viên Ngọc Rồng như tôi khi đó lại càng không. Chính nhờ bộ truyện này mà tôi làm thân được với vô số nhóc bạn mới dù chúng nó ở cách nhà tôi tới 2-3 con phố. Vẫn hẹn gặp nhau đều đều ở hàng thuê truyện của ông giáo Toản, vẫn trao nhau những câu hỏi "max" ngây thơ và "max" hồn nhiên như:

- "Nếu mày kiếm được 7 Viên Ngọc Rồng thật thì mày sẽ ước gì thế?"

- "Tao sẽ ước như con heo Uron trong truyện thôi! Tao hảo ngọt giống nó mà!"

- "Còn tao thì ước mình mọc thêm cái đuôi"

- "Mày bị khùng hở?"

- "Mày mới không biết gì hết á, có đuôi rồi thì có thể biến hóa khỉ đột khổng lồ như là Songoku!"

 

Những câu chuyện ngây ngô đám nhóc tỳ chúng tôi tạo nên cứ cụt lủn như vậy mà lại đem cho nhau không ít tiếng cười rộn rã, các anh lớn khi ấy thấy đám nhóc chơi vui quá nên cũng tham gia góp lời, các anh trách chúng tôi khờ quá, rằng nếu có 7 Viên Ngọc Rồng thì nên ước trở thành Tề Thiên Đại Thánh (Đại Thánh Vương) trong phim Tây Du Ký, rằng Tôn Ngộ Không tài phép hơn Songoku rất nhiều, có luôn phép Cân Đẩu Vân, biết cả tới 72 phép thần thông trong khi Songoku vẫn chỉ biết mỗi chưởng đòn "Kamêjôkô" yếu xìu.

Songoku được tác giả Toriyama Akira lấy cảm hứng từ nhân vật Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký.

Nghe các anh lớn nói thế, cái tính ăn vạ trong tôi lại trỗi dậy, tôi òa khóc thật to, đơn giản vì tôi không muốn ai chiến thắng được Songoku thần tượng trong lòng mình hết. Sau này tôi mới tẽn tò xấu hổ khi anh trai mình cho biết: Người ta chỉ trêu đám nhóc con chúng tôi thôi, chứ ai cũng biết nhân vật Songoku được xây dựng hoàn toàn từ nhân vật Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký mà!

Không chỉ muốn trở thành Songoku, tôi còn mơ ước được tài giỏi như Tề Thiên Đại Thánh!

Thời trẻ con, tôi cũng từng mơ ước rằng mình có thể được giống như Đại Thánh Vương, có đủ 72 phép thần thông biến hóa!

Khi tôi lớn hơn một chút, lúc này tivi vô tuyến đã thịnh hành kèm theo nhiều kênh đài truyền hình được phát sóng, đặc biệt khi đó đứa trẻ nào trong phố tôi cũng kháo nhau nghỉ chơi để về nhà sớm, mở kênh VTV3 canh giờ coi phim. Khi tôi hỏi là phim gì thì tụi bạn chỉ đáp rất dễ thương thế này: "Phim có một con khỉ tinh nghịch, ăn đào tiên và tài phép biến hóa hết chỗ chê".

Bộ phim đó chính là Tây Du Ký phiên bản 1986 và dĩ nhiên một đứa trẻ như tôi nhanh chóng bị dàn kỹ xảo đỉnh của đỉnh trong bộ phim lúc này hút hồn toàn tập, thậm chí tôi và đám bạn còn học theo điệu cười khoái trá, giả bắt chước động tác của con khỉ Tôn Ngộ Không.

\Hồi đó, để hóa thân được vào Đại Thánh Vương thật là dễ, chỉ cần với 2 món đồ như thế này.

Rồi lâu dần thay vì tranh nhau đóng vai Songoku, tôi và đám trẻ chuyển qua oẳn tù tì tranh nhau đóng vai Tôn Ngộ Không, đứa thắng ban đầu sẽ được tôn lên làm Mỹ Hầu Vương, Tề Thiên Đại Thánh (Đại Thánh Vương), những đứa thua thì phải chịu làm khỉ thuộc hạ của Tôn Ngộ Không, phải cùng nhau làm kiệu tay cho đứa thắng ngồi.

Đối với đám nhóc chơi cùng tôi khi ấy, một Đại Thánh Vương nhìn như thế này là đã chất lắm rồi!

Bởi số tôi nhọ lên chỉ được duy nhất một lần được hóa thân thành Đại Thánh Vương, sai khiến được lũ bạn, còn lại thì toàn rơi phải phận lâu la bị sai vặt. Ô than ôii! Cái ký ức tuổi thơ dữ dội của đời tôi nó chính là như thế đó!

 

Theo Trí Thức Trẻ