Hiện tại những chiếc smartphone tích hợp camera tele rồi cả tính năng xóa phông giúp việc chụp ảnh chân dung trở nên gần gũi và dễ dàng với tất cả mọi người hơn bao giờ hết. Ưu điểm lớn nhất của xài điện thoại là chỉ giơ lên là chụp thôi. Tất nhiên nó có điểm yếu cố hữu từ chất lượng ảnh cho tới khả năng xóa phông mượt mà nên việc có được bức ảnh chân dung chất nhất vẫn cần tới máy ảnh cùng ống kính phù hợp. Nhưng ngược lại, khi dùng máy ảnh sẽ buộc bạn phải trau dồi kiến thức và nằm lòng nhiều yếu tố mà 05 điểm sau đây là ví dụ tiêu biểu.
Không sử dụng chế độ P/Auto trên máy ảnh
Chế độ P (Program) và một số máy ảnh còn có thêm chế độ Auto giúp máy ảnh tự động tính toán mọi thông số sao cho phù hợp, từ đó bạn chỉ việc bấm chụp thôi, dễ như dùng điện thoại vậy. Tuy nhiên chính điều đó cũng sẽ khiến bức ảnh của bạn nhiều khi không xóa phông lung linh hay thể hiện đúng ý đồ của bạn. Đây là điểm mà nhiều người mới chơi máy ảnh thắc mắc nhiều nhất: sao chụp bằng máy ảnh xịn mà trông không đẹp bằng điện thoại.
Để xử lý tình huống này, sau đây là một vài lời khuyên cho bạn:
- Đầu tiên phải kiểm soát được mức ISO. Tùy vào điều kiện ánh sáng mà bạn cần chỉnh ISO sao cho phù hợp (ISO càng cao giúp chụp tối càng dễ, tuy nhiên chất lượng ảnh cũng giảm theo). Chọn mức ISO thấp nhất có thể mà vẫn đảm bảo bạn có thể chụp mà ảnh không bị rung/nhòe.
- Điều chỉnh khẩu độ. Đây là yếu tố giúp bức ảnh bạn có xóa phông nhiều hay ít nằm ở thông số này. Số F càng nhỏ, xóa phông càng mạnh và ngược lại.
- Chụp ảnh đủ sáng bằng tốc độ màn trập phù hợp sao cho thước đo độ sáng ảnh trong máy ảnh ở vị trí trung tâm.
- Hai chế độ thường dùng nhiều nhất trong chân dung là M (Manual) - bạn phải điều chỉnh mọi thông số từ ISO, tốc độ màn trập, khẩu độ sao cho phù hợp và A (Aperture Priority) - chế độ này yêu cầu bạn chỉnh khẩu độ và ISO, tốc độ màn trập máy sẽ tự tính toán.
Không dùng chế độ lấy nét nhiều điểm
Những máy ảnh thế hệ mới thường có rất nhiều điểm lấy nét cũng như khả năng hoạt động của chúng "thông minh" hơn so với sản phẩm nhiều năm về trước. Tuy nhiên hiện đại đôi khi hại điện, với quá nhiều điểm lấy nét hoạt động cùng một lúc, bạn sẽ không biết máy lấy chính xác vào đâu ở mẫu. Điều này cực tai hại khi bạn dùng ống kính tele mở khẩu lớn để xóa phông lung linh, về nhà kiểm tra lại thì cái mũi nét nhưng con mắt mẫu thì không. Vì thế giải pháp tối ưu nhất là chỉ dùng chế độ lấy nét một điểm (single point), di chuyển điểm lấy nét tới vị trí bạn cần lấy nét hoặc dùng kỹ thuật lấy nét trước bố cục sau.
Chú ý tới hậu cảnh
Trong chụp chân dung, mẫu hiển nhiên là chủ thể chính trong bức ảnh của bạn. Cũng vì thế, hậu cảnh càng sạch và đơn giản sẽ càng dễ làm nổi bật thêm chủ thể. Và sau đây là một vài lưu ý đối với hậu cảnh, đặc biệt khi bạn chụp ở ngoài trời:
- Đi chụp tiền trạm trước, điều này đặc biệt quan trọng ngay cả với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Việc tới và chụp thử để chọn ra những góc có bối cảnh, ánh sánh phù hợp sẽ giúp bạn tiết kiệm được khối thời gian trong buổi chụp chính thức với mẫu.
- Dùng ống kính tiêu cự dài (tele) để xóa phông tốt hơn. Thường các ống kính tiêu cự 85 mm, 135 mm, 200 mm khá được yêu thích trong thể loại chụp chân dung vì cùng với khẩu độ, tiêu cự dài cũng là yếu tố ảnh hưởng tới khả năng xóa phông.
- Sáng tạo trong góc chụp. Đôi khi đời không như là mơ, có thể bối cảnh hẹp hay bạn không có ống kính tele chuyên dụng để xóa phông mù mịt. Không sao cả vì với cả lens tiêu cự normal cho tới góc rộng, bạn vẫn có thể có bức ảnh chân dung nghệ thuật với phần hậu cảnh được che dấu khéo léo thông qua cách chọn góc chụp.
Đừng lặn mất tăm sau chiếc máy ảnh
Những tấm ảnh chân dung đẹp là thành quả của quá trình giao tiếp, phối hợp ăn ý giữa mẫu và người chụp ảnh. Vì thế tạo một bầu không khí vui vẻ, thoải mái là điều quan trọng để mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Hãy trao đổi với mẫu, trêu đùa, chọc cười mẫu để mẫu bớt căng thẳng là yếu tố quan trọng để bạn có bức hình ưng ý.
Đừng sợ thử nghiệm cái mới
Mọi kiến thức và thủ thuật đều mang tính chất giúp bạn có được bức ảnh chân dung "đúng chuẩn" mà mọi người thường cho là đẹp. Và một khi làm chủ được những điều cơ bản, bạn có thể tạo nên bức ảnh khác biệt mang thương hiệu "made by me" bằng việc phá vỡ quy tắc truyền thống một cách có ý đồ.
Trong nhiếp ảnh, bạn có thể tạo nên bức ảnh không đụng hàng bằng nhiều cách khác nhau như sử dụng tiêu cự lạ, góc chụp mới mẻ, điều chỉnh các thông số như tốc độ màn trập, khẩu độ hay địa điểm, ánh sáng, tư thể tạo dáng, …
Theo GenK