Nga dự định xây dựng các căn cứ mới cho hải quân và lực lượng biên phòng dọc tuyến đường biển phía bắc, nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, chủ tịch hội đồng an ninh Nga Nikolay Partushev cho biết.



Tàu phá băng chạy bằng hạt nhân của Nga ở Bắc Cực

Địa điểm xây căn cứ, ở một số khu vực xa xôi nhất của biển Bắc Cực đã được xác định, ông Patrushev phát biểu tại cuộc họp của hội đồng ở Krasnoyarsk, Siberia, hôm qua (6/7). Tuy nhiên, ông Patrushev cho hay, việc xúc tiến kế hoạch đang diễn ra chậm chạp. "Chúng tôi đề xuất thiết lập một nhóm tuần tra, tổ chức các chuyến đi ngắn ngày dọc tuyến đường biển phía bắc và xây dựng một căn cứ hợp pháp riêng rẽ, song còn nhiều việc chưa hoàn tất".

Năm cường quốc ở khu vực Bắc Cực gồm Nga, Na Uy, Mỹ, Canada và Đan Mạch vẫn bất đồng về việc phân chia khu vực này, vốn được cho là có trữ lượng dầu và khí khổng lồ.

Bất đồng đã được hun nóng khi nhiệt độ tăng làm tan băng trên biển và tạo đường dẫn tới chỗ có tài nguyên trong bối cảnh giá dầu tăng cao kỷ lục làm cho việc khoan dầu tại Bắc Cực trở nên có ý nghĩa về kinh tế hơn.

Theo Hiệp ước của LHQ về luật biển, khu vực kinh tế thuộc về một nước giới hạn tới 200 hải lý tính từ bờ biển. Tuy nhiên, khu vực này có thể mở rộng nếu một nước chứng tỏ được rằng thềm lục địa là phần địa chất mở rộng của lãnh thổ nước đó.

Kể từ năm 2007, Nga đã tiến hành vài cuộc thám hiểm với mục đích chứng tỏ một rặng núi dưới nước là một phần lãnh thổ rộng lớn của nước này. Moscow cũng đã có kế hoạch kiến nghị vẽ lại bản đồ Bắc cực vào 2013.

Tới năm 2020, Nga sẽ triển khai một lực lượng vũ trang kết hợp, gồm các đơn vị quân đội, biên phòng và bảo vệ bờ biển, tới Bắc Cực để bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị của mình.

  • Hoài Linh (Theo RT)