Cả triều Nguyễn chỉ có khoảng 100 chiếc xe máy. Qua thời gian, con số ấy hư hao dần và chỉ còn lại được khoảng 8 chiếc. Những chiếc xe vừa cổ và lạ ấy qua nhiều đời chủ nhân, giờ quy tụ lại trong tay một nhà sưu tầm xứ Kinh Bắc.

Không những vẫn giữ được nguyên bản và có đầy đủ giấy tờ đăng ký chứng minh nguồn gốc, bộ xe cổ này còn đặc biệt bởi liên quan đến vị Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam.

Bộ xe vừa cổ vừa “quái”

Chủ nhân của những chiếc xe cổ Bảo Đại hiện là anh Dương Minh Chính (ngụ TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Chơi đồ cổ từ thời thanh niên, nay ngoài tứ tuần, anh Chính có nhiều chiêm nghiệm về thú chơi này. Anh nói:

“Chơi đồ cổ cũng giống như chơi một canh bạc. Được mất cũng chỉ trong gang tấc. Đấy là quan niệm của cả giới cổ vật nhưng tôi thì khác. Quan niệm giản đơn hơn, tình cảm của mình với đồ cổ cũng như tình yêu, gặp được nhau là có duyên, mang được nó về nhà là có phận. Còn nếu chỉ có duyên mà không có phận thì phải chấp nhận, mình được ngắm, được nhìn một món đồ tinh tế cũng cảm thấy may mắn và hạnh phúc!”.

{keywords}

Bộ xe vừa cổ vừa “quái”

Ngay với bộ sưu tập 7 chiếc xe Bảo Đại quý giá, để rinh được những chiếc xe về nhà, không ít lần anh đã phải vay mượn. Dù cuộc sống đôi lúc khó khăn nhưng anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bán những chiếc xe đó. Bởi, với anh bộ sưu tập xe cổ không chỉ mang giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần và lịch sử, không thể đong đếm bằng tiền.

Theo anh, cuối năm 2009, tình cờ biết tin có người bán hai chiếc xe máy thời vua Bảo Đại, anh lập tức vào TP HCM lùng mua cho bằng được những chiếc xe này. Sau đó, anh tiếp tục nhờ người trong đó tìm kiếm, thu mua bằng hết những chiếc xe máy còn lại từ thời Bảo Đại… Chiếc thứ 7 cũng là chiếc cuối cùng anh mua được vào cuối năm 2011.

Trong hành trình tìm kiếm xe cổ, anh Chính may mắn gặp được một ông cụ từng làm quan dưới triều vua Bảo Đại. Người này quả quyết cả triều Nguyễn chỉ có khoảng gần 100 xe máy các loại, nhưng đến khoảng 1975 thì chỉ còn chục chiếc có đủ giấy tờ chứng minh chính xác là từ thời Bảo Đại.

Chưa tin lắm, anh Chính phải dò hỏi các đồng nghiệp thì chính xác con số còn lại là 8 chiếc. Sau khi có đủ 7 chiếc xe cổ, có người liên lạc với anh Chính với mong muốn bán cho anh chiếc xe cuối cùng. Nhưng chiếc xe này bị gãy khung và giấy tờ cháy không còn nguyên vẹn nên anh Chính không mua.

Bảy chiếc xe anh Chính đang sở hữu cũng được xem là bộ xe máy cổ độc đáo bậc nhất Việt Nam hiện nay. Cả 7 chiếc đều nguyên vẹn hình hài, vẫn có thể sử dụng được, đặc biệt hơn vẫn còn đầy đủ giấy tờ đăng ký xe bản gốc từ thời Bảo Đại với: họ tên, chữ ký, dấu mộc đỏ, biển số xe, số máy, số sườn, động cơ, dung tích, ngày tháng đăng ký, nơi đăng ký.

{keywords}

Chiếc xe Qeoqeot được đánh giá nguyên vẹn và quý nhất.

Bộ xe máy cổ quý hiếm được anh Chính cất công tìm kiếm, sưu tầm hiện đang gửi nhờ tại nhà một người bạn ở khu Đọ Xá (TP Bắc Ninh). Anh Sơn, người giữ bộ sưu tập giúp anh Chính cho biết: “Đây là bộ sưu tập được giới chơi xe đánh giá vừa cổ, vừa “quái” lại vừa độc”.

Bảy chiếc xe máy cổ nguyên bản do Pháp sản xuất mang những thương hiệu như Koehler Escoffier, Monet Goyon, Jong Li, Monet Goyon Macon tuổi đời hàng trăm năm vẫn gần như nguyên vẹn. Những thăng trầm thời gian dường như chỉ làm cho nước sơn trên xe thêm cổ kính hơn.

Đặc biệt, cả bộ xe đều còn nguyên giấy tờ đăng ký. Đăng ký xe được cấp từ những năm đầu thế kỷ 19, được nhà cầm quyền ghi chú cẩn thận bằng Pháp văn kèm theo số căn cước của mỗi chủ sở hữu.

Như chiếc Terrot 100cc cấp cho chủ xe Nguyễn Văn Sang, sinh năm 1924 tại Sài Gòn, cấp ngày 24/7/1951, có chữ ký của nhà chức trách người Pháp – D.Hermine. Chiếc Macon Koehler & Erooffier 125cc cấp cho chủ xe Trần Trọng Ái, sinh năm 1920, trú tại Sa Đéc ngày 15/1/1951 vẫn do D.Hermine ký.

Trên những chiếc xe cổ này, ngoài sự cổ điển ở kiểu dáng, cách thiết kế, khung xe, hộp máy… thì một phụ kiện thú vị là những chiếc còi xe. Chúng được gắn bên ngoài, khi thì thiết kế ngay trên hộp máy thông với ống dẫn hơi (được sinh ra do một thiết bị được cọ xát với một bánh răng), khi thì được thiết kế ngay trên tay lái và tất cả đều là còi hơi.

{keywords}

Một chiếc xe cổ Bảo Đại trong bộ sưu tập 7 chiếc

Ở những chiếc xe cổ đời đầu, yên xe là bộ khung sắt nối với hai càng xe, chưa có yên bọc da. Chiếc yên da duy nhất dành cho người cầm lái, và là da bò chính hãng. Xe càng cổ, các chi tiết trên xe càng thô sơ, nhưng không kém phần tinh tế về thẩm mỹ. Những chiếc xe đời sau mới có thêm bộ giảm xóc, tuy thô sơ nhưng phần nào tiết lộ tiến bộ của công cuộc cải tiến động cơ.

Tâm nguyện gìn giữ lịch sử

Kinh Bắc không chỉ là đất quan họ, đây còn là nơi quy tụ nhiều nhà sưu tầm cổ vật có hạng. Ngoài những “Thạo đồng xu”, hay “Bảo Kiều cổ”, anh Chính cũng nổi tiếng với đồ kim khí.

Với thâm niên hơn 20 năm sưu tập đồ cổ, anh Chính có nhiều bộ sưu tập giá trị như đồ đá Phùng Nguyên hay bộ tranh Đông Dương, Trống Đồng… Nhưng anh quý nhất bộ sưu tập xe. Anh chia sẻ:

“Tôi thích xe cổ từ hồi còn trẻ bởi chúng mang một vẻ đẹp thô mộc nhưng thật chất. Đây là nhân chứng sống động cho thấy cả một quá trình phát minh, cải tiến động cơ của loài người. Sở dĩ tôi phải lặn lội cất công đi kiếm tìm và đầu tư tiền của để sở hữu đủ bộ xe máy cổ gồm 7 chiếc thời vua Bảo Đại là vì có một tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ đặc biệt đối với vị Hoàng đế nhà Nguyễn này”.

Anh nói thêm: “Trong giới sưu tầm cổ vật, bao giờ cũng phải ghi nhớ lời dạy “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Chỉ quý cái tinh xảo, hiếm có chứ không quý cái có nhiều. Vì thế, tôi muốn đi sâu vào bộ sưu tầm xe Bảo Đại là một phần rất hiếm của lịch sử để mình bảo tồn”.

{keywords}

Phần pô độc đáo của xe Qeoqeot

Từ khi biết tin anh Chính có được bộ sưu tầm xe cổ quý giá, nhiều bạn bè cùng giới cũng đến xem và không khỏi tấm tắc lẫn khát khao. Nhất là khi anh tổ chức triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, nhiều đại gia còn ngỏ ý đề nghị anh bán cho một chiếc.

Tuy nhiên, anh Chính đã từ chối bởi: “Người ta mua để khoe, khác với mua để giữ gìn. Nếu ai đó có nhã ý mượn để xem, đi triển lãm với mục đích gìn giữ bảo tồn văn hóa lịch sử thì tôi sẵn sàng cho mượn”.

“Khi đã sưu tập đầy đủ bộ xe này, tôi rất hạnh phúc. Nó như một phần cuộc sống của tôi. Tôi còn sống thì tôi sẽ luôn giữ nó bên mình, nếu mai này không còn nữa thì tôi cũng sẽ căn dặn con cháu về sự quý giá của bộ sưu tập. Có thể nghèo nhưng không thể bán những thứ mà mình yêu quý được”, anh Chính khẳng định.

Anh Chính cho biết: “Nhiều người hỏi nhưng tôi không nói, số tiền mà tôi bỏ ra để sưu tập dàn xe cổ này vượt trên con số 70.000USD. Có rất nhiều người trong và ngoài giới ngỏ ý muốn mua lại. Đặc biệt là các nhà sưu tập cổ vật ở Huế muốn có trọn bộ hiện vật liên quan đến triều Nguyễn”.

(Theo báo Pháp luật)