Hiện Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với khoảng 14,2 triệu người, chiếm gần 15% tổng dân số. Cả nước có hơn 3.400 xã, phường, thị trấn nằm trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không ít địa phương trong số này là xã đặc biệt khó khăn, thuộc huyện nghèo.

Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... đã giúp đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có chuyển biến tích cực, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp.

W-dantocnung-ntm.png
Năm 2022, số hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Theo kết quả rà soát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2022 số hộ nghèo đa chiều trên toàn quốc giảm khoảng 1,5%; số hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%, số hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5%.

Một trong những nội dung được đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là cải thiện dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Ngoài việc tiếp cận, can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để sinh những đứa con khoẻ mạnh, bảo vệ chất lượng giống nòi, cũng là biện pháp góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

Khoa học đã chứng minh, việc kết hôn sớm và mang thai sinh đẻ trong lứa tuổi chưa thành niên sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đứa trẻ được sinh ra bởi người mẹ hoặc cặp tảo hôn dễ bị sinh non, thiếu cân, thấp còi, suy dinh dưỡng, thậm chí thai nhi chết yểu... Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi.

Trong khi đó, hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân gây ra suy thoái giống nòi bởi cùng dòng máu trực hệ; những đứa trẻ sinh ra tiềm ẩn nguy cơ cao về các dị tật, chậm phát triển, suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá...

Bộ Y tế trong báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự Luật Dân số đang lấy ý kiến rộng rãi dẫn kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho biết tỉ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số năm 2018 là 21,9%.

Điều này có nghĩa là trung bình cứ 10 người dân tộc thiểu số thì có 2 người tảo hôn. Tại những vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số như Tây Nguyên, số người bước vào hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn chiếm 27,5%, vùng Trung du miền núi phía Bắc chiếm 24,6%.

Tại Hội thảo Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương do Cục Dân số Bộ Y tế tổ chức ngày 6/8, bà Phạm Thị Thuý Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Uỷ ban Dân tộc, chia sẻ một số kết quả giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2021-2025.

Số trường hợp tảo hôn trên địa bàn các tỉnh có xu hướng giảm dần theo từng năm. Đơn cử, tại Hòa Bình, năm 2021 có 222 trường hợp tảo hôn, giảm xuống còn 127 trưởng hợp tảo hôn vào năm 2023 và không có cặp kết hôn cận huyết thống. Trong khi đó tại Hà Giang, năm 2023 số cặp kết hôn tảo hôn là 176 cặp; giảm 112 cặp so với năm 2022; chỉ còn 1 cặp kết hôn cận huyết thống, giảm 1 cặp so với năm 2022.

Theo đánh giá, ở khu vực vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao diễn ra tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết, gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội. 

Tại Sơn La, năm 2022 số cặp tảo hôn là 664 cặp, đến năm 2023 phát sinh 1.058 cặp, tăng 35%; có 3 cặp kết hôn cận huyết thống. Tại Cao Bằng, ghi nhận 96 cặp tảo hôn xảy ra trên địa bàn các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm trong năm 2023; 4 cặp kết hôn cận huyết thống tại huyện Bảo Lâm, Hà Quảng.

Tại Sóc Trăng, năm 2023 có 151 trường hợp tảo hôn, trong đó có 59 trường hợp tảo hôn cả vợ và chồng; 92 trường hợp tảo hôn chỉ có vợ hoặc chồng; 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Theo bà Hà, để tích cực giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục pháp luật về không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; cùng đó, đưa vào hương ước, quy ước của thôn, ấp, bản, tổ dân phố các nội dung xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hủ tục lạc hậu, bảo đảm phụ nữ và nam giới có quyền, nghĩa vụ như nhau trong kết hôn trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận...

"Bộ Y tế cần có các hoạt động tuyên truyền, truyền thông hướng dẫn cụ thể về nội dung tư vấn, khám sức khỏe cho nam, nữ trước khi kết hôn, người muốn sinh con như: hướng dẫn phòng ngừa, phát hiện các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, mang thai, sinh đẻ, nuôi con để điều trị kịp thời góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và con sinh ra khỏe mạnh, duy trì giống nòi đối với các dân tộc thiểu số rất ít người, các dân tộc có khó khăn đặc thù", bà Hà nêu ý kiến. Cùng đó, quan tâm chăm lo phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội...