Tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế 2021 diễn ra ngày 5/12, nhiều ý kiến đặt vấn đề về khả năng hấp thụ của nền kinh tế khi tung ra các gói hỗ trợ phục hồi. 

Tăng cường giám sát từ sớm từ xa

Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường ĐH kinh tế quốc dân, bày tỏ băn khoăn “chúng ta tăng cường nguồn lực nhưng nền kinh tế có hấp thụ được hay không. Làm thế nào để nguồn lực tăng cường ấy đi vào phát triển nhưng không tạo ra những hậu quả".

Theo ông, việc đánh giá nền kinh tế hấp thụ thế nào thường nhìn trên hai khía cạnh. Đó là tốc độ luân chuyển vốn vào các hoạt động đầu tư phát triển như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và tốc độ tăng trưởng tín dụng có đạt được như kỳ vọng.

{keywords}
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường ĐH kinh tế quốc dân

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, cả hai vấn đề này đều đang chậm. Giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm này chưa đạt được 70%, chỉ còn 1 tháng nữa thì khó có thể “về đích”. Còn vốn tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này chỉ khoảng trên 8%, so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế cũng là thấp.

“Nguy hiểm hơn là chuyển vốn vào nhưng có đi vào hoạt động sản xuất hay nằm ở đâu đó”, ông Cương đặt vấn đề và cảnh báo dòng vốn đang đẩy sang các khu vực đầu cơ, rõ nhất là đầu tư khiến giá bất động sản tăng lên, giá chứng khoán tăng lên.

Về vấn đề tăng tiếp cận vốn tín dụng, ông Cường cho biết, không phải doanh nghiệp chỉ trông chờ giảm lãi suất, mà chỉ cần tiếp cận được vốn. Vì vậy, ngân hàng nên thay đổi các phương thức tiếp cận, đẩy mạnh theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp, bám sát theo các hợp đồng để đưa vốn vào sản xuất. Qua đó xem dòng tiền đi đâu, cho vay làm việc gì.

"Trong bối cảnh Covid-19, chúng ta chuyển đổi mạnh sang không dùng tiền mặt. Tức là dòng tiền đi đâu kiểm soát được, tránh chuyện trục lợi", ông Cường gợi ý.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng lưu ý đến việc giám sát khi thực hiện gói hỗ trợ.

Dẫn lại bài học kích cầu năm 2008-2009, ông Hồng Anh cho biết, nguyên nhân chính nằm ở vấn đề kiểm soát. Kích cầu quy mô lớn nhưng dòng tiền ít vào sản xuất, mà chảy vào bất động sản, chứng khoán, hậu quả lạm phát tăng cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Do vậy, với gói kích thích lần này, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị cần tăng cường giám sát từ sớm từ xa. Mô hình giám sát chính sách từ sớm từ xa ngay từ khâu xây dựng chính sách. Cách này giúp tránh sự bất cập trong quá trình triển khai.

Các gói hỗ trợ phải có khả năng hấp thụ nhanh, có tính lan tỏa rộng 

Khái quát lại một số định hướng, nguyên tắc lớn mà các diễn giả, chuyên gia đề cập, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, phải tập trung cả về cung và cầu. Theo đó, về phía cung, phải tập trung hỗ trợ, giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động; về phía cầu, phải kích cầu cả thị trường và đầu tư.

Cùng với đó là phối hợp một cách linh hoạt, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, như chính sách đầu tư, thương mại, dịch vụ…

"Cần có sự phối hợp hài hòa, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô này thì mới sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho chương trình phục hồi kinh tế - xã hội", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

{keywords}
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, các chính sách phải đủ lớn, có trọng tâm, trọng điểm. Nếu không đủ lớn sẽ không tạo ra sự thống lĩnh giải quyết bất cập của nền kinh tế, không tạo ra sự thay đổi cần thiết cho nền kinh tế, thậm chí làm lãng phí.

Ngoài ra, cần bảo đảm gói kích thích này phải khả thi và thực thi nhanh, tập trung vào ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, có khả năng hấp thụ nhanh, có tính lan tỏa rộng để kích thích nền kinh tế phục hồi phát triển và phải nhanh ngay trong năm 2022 - 2023.

"Có ý kiến cho rằng năm 2022 phục hồi, giảm thiểu thiệt hại của đại dịch Covid - 19, năm 2023 tập trung cho kích thích đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế", Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, dù chính sách hỗ trợ thế nào vẫn phải bảo đảm dài hạn và an toàn tài chính quốc gia. Chính sách đưa ra phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng với các cân đối lớn của nền kinh tế với các chính sách kinh tế vĩ mô.

"Có thể chấp nhận trong một giai đoạn ngắn hạn, có thể các chỉ tiêu thay đổi, nhưng về dài hạn, phải bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia và cũng phải cân đối với khả năng vay, trả nợ và khả năng hấp thụ của nền kinh tế", ông Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý, các chính sách huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực phải bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lạm dụng, trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, tham nhũng. Muốn nhanh thì phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm toán, để chính sách này phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Chấp nhận bội chi, tăng nợ công trong ngắn hạn
Trong tham luận trình bày tại phiên toàn thể trước đó, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, do khủng hoảng kinh tế - xã hội xuất phát từ đại dịch Covid-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, nên các giải pháp chuyên môn về y tế mang tính chất quyết định và chủ yếu.
Chính sách tài khóa đóng vai trò lớn hơn, phối hợp với chính sách tiền tệ nhằm tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế. Trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận chi ngân sách nhà nước cao hơn, nợ công tăng trong giai đoạn 2021 - 2023.
Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa giảm dần, Việt Nam cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu, siết chặt kỷ cương chính sách tài khóa.
Đối với các gói hỗ trợ phục hồi của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường đề nghị, cần ưu tiên các giải pháp ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tăng cường hợp tác quốc tế về y tế và phục hồi kinh tế.
“Điều quan trọng nhất là Việt Nam có dư địa áp dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ thì liệu Việt Nam có còn dư địa thời gian để thực hiện các biện pháp ngắn hạn”, ông Nguyễn Minh Cường đặt vấn đề.

Thu Hằng

Lo nền kinh tế 'lỡ nhịp', đề xuất gói hỗ trợ hơn 843.000 tỷ đồng

Lo nền kinh tế 'lỡ nhịp', đề xuất gói hỗ trợ hơn 843.000 tỷ đồng

Cảnh báo không có chương trình đặc biệt sẽ 'lỡ nhịp', ông Cấn Văn Lực đề xuất gói hỗ trợ bao gồm cả tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội lên tới 843.845 tỷ đồng, chiếm 10,38% GDP.