Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải tăng cường biện pháp ngăn chặn giao dịch khống. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có Văn bản số 6410/NHNN-TT gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, văn phòng đại diện các tổ chức thẻ quốc tế, NHNN chi nhánh tỉnh thành phố, yêu cầu tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.
Theo đó, để kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi sử dụng thẻ ngân hàng (đặc biệt là thẻ tín dụng) không đúng quy định pháp luật và kiểm soát các rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng, NHNN yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện ngay một số nội dung sau:
Đối với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) thông đồng với chủ thẻ thực hiện giao dịch thanh toán khống tại ĐVCNT (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ) với mục đích rút tiền mặt, quy định cụ thể nội dung này trong Hợp đồng ký với ĐVCNT, rà soát nội dung hợp đồng với ĐVCNT để thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã ký kết cũng như có biện pháp xử lý trách nhiệm phù hợp với các ĐVCNT (có hành vi vi phạm pháp luật) nhằm tuân thủ đúng các quy định pháp luật; có biện pháp giám sát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các ĐVCNT.
Rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình, quy định nội bộ, thủ tục, hồ sơ đăng ký phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành,
Đối với tổ chức thẻ quốc tế phải tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ thông tin và cảnh báo đến các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ danh sách các ĐVCNT có dấu hiệu thanh toán khống, thực hiện các giao dịch thẻ không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1/8/2019 vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hiện nay có hiện tượng nhiều chủ thẻ tín dụng thông đồng với các điểm chấp nhận thể để rút khống tiền mặt, tức là tạo ra các giao dịch giả để rút tiền mặt ra. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với hoạt động thẻ ngân hàng được quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN trong đó có quy định rõ, hành động thanh toán khống thẻ tín dụng là hành vi bị cấm, nếu phát hiện được sẽ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, tình trạng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng đã được chính nhân viên các ngân hàng tiếp thị cho khách. Gần đây nhiều chủ thẻ tín dụng được nhân viên ngân hàng gọi điện tư vấn cho vay tiêu dùng với lãi suất 1,69%/tháng (20,28%/năm). Tiền vay được chuyển từ thẻ tín dụng sang tài khoản thông thường nên khách hàng dễ dàng rút ra tiêu dùng mà không mất phí.
Đây là chiêu né lãi cao và phí rút tiền, chủ thẻ sẽ không phải chịu lãi suất và phí cao ngất ngưởng khi rút tiền từ máy ATM (rút tiền từ thẻ tín dụng phải chịu lãi suất 47,88%/năm cộng với phí 4,4%). Theo đó, chủ thẻ chỉ cần liên hệ với tổng đài của ngân hàng yêu cầu chuyển tiền từ thẻ tín dụng đến tài khoản cá nhân đứng tên mình hoặc tài khoản mở tại ngân hàng khác, rồi rút tiền mặt để tiêu dùng. Khi đó, chủ thẻ có thể đăng ký trả góp vốn và lãi theo các kỳ hạn 12, 15, 18, 21 và 24 tháng, lãi suất 1,69%/tháng (gần 20,3%/năm), thấp hơn nhiều so với vay nóng bên ngoài hoặc từ các công ty tài chính tiêu dùng.
Hiện nay có khá nhiều ngân hàng thương mại trong nước và ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng triển khai chương trình vay tiền từ thẻ tín dụng với mức lãi suất dao động trên dưới 2%/tháng.