Các doanh nghiệp dịch vụ tài chính trong nước đang đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây vào tự động và tối ưu hóa kinh doanh – vận hành.

Theo một thống kê của KPMG toàn cầu, 74% giám đốc điều hành của các ngân hàng cho rằng việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số đóng một vai trò thiết yếu trong chiến lược cạnh tranh. Tuy nhiên, 46% trong số đó đã phải tạm ngưng hoặc cắt giảm chiến lược chuyển đổi số do lo ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong tương lai gần. 

Tại Việt Nam, tình hình kinh tế khả quan hơn và bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc. Các doanh nghiệp dịch vụ tài chính trong nước đang đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây vào tự động và tối ưu hóa kinh doanh – vận hành.

Theo khảo sát công bố tháng 5/2023 của DBS, Việt Nam xếp thứ 2 trong số 10 quốc gia được khảo sát về mức độ ứng dụng chuyển đổi số vào nâng cao trải nghiệm và gắn kết khách hàng, cao hơn cả những cường quốc Mỹ, Anh, Úc, Trung Quốc, và Ấn Độ. 

Dự báo thị trường ngân hàng và vốn 2023 của Deloitte cho rằng các ngân hàng nên nhìn nhận lại những sản phẩm và dịch vụ truyền thống để tìm cách tạo ra các nguồn giá trị mới. Những lĩnh vực được đánh giá giàu tiềm năng bao gồm tài chính nhúng, công nghệ tài chính, định danh điện tử, và tài chính xanh…

Nhiều hướng đi có thể khai thác, nhưng bài toán được đặt ra cho ngành ngân hàng là làm sao có thể chuyển mình một cách nhanh chóng, hiệu quả mà vẫn tiết kiệm nguồn lực để không “hụt hơi” trên đường đua dài hạn.

Ngoài doanh thu và lợi nhuận, quá trình chuyển đổi số còn phải xét đến những yếu tố về tính minh bạch, quản lý rủi ro, và trách nhiệm xã hội, với sự theo dõi sát sao từ công chúng, các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế. Trong khảo sát của KPMG toàn cầu, 54% các ngân hàng nhắc đến yếu tố “khí hậu” trong báo cáo tài chính của họ, chứng tỏ đây là từ khóa có sức nặng trong tầm nhìn phát triển doanh nghiệp.

Không có một công thức chung nào có thể đảm bảo sự thành công của chiến lược chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa các tổ chức tài chính được coi là cách tiếp cận cần thiết để xây dựng một nền tài chính vững mạnh. Trên thực tế, 26% giám đốc ngân hàng được khảo sát cho rằng hợp tác chiến lược với các bên thứ 3 là ưu tiên hàng đầu của họ trong việc đẩy mạnh tăng trưởng. 

Ngày 22/7 tới đây, tại Hà Nội sẽ diễn ra hội thảo với chủ đề “Đổi mới sáng tạo ngành Tài chính: Đổi mới để tăng trưởng bền vững” có sự tham gia của đại diện nhiều ngân hàng lớn trong và ngoài nước như Techcombank, VPBank, SeABank, UOB, Standard Chartered… cùng các công ty công nghệ nổi bật trong khu vực như CDNetworks, Teibto, EDGEWORKS, Alibaba Cloud, FPT Smart Cloud, và AdFlex.

Ngoài ra, trong danh sách diễn giả khách mời của sự kiện còn có đại diện đến từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, VinGroup, và KPMG.

Hội thảo Finovate Innovation Day sẽ mang đến những chủ đề thảo luận được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay như ứng dụng dữ liệu lớn vào vận hành ngân hàng số, nâng cao bảo mật ngành tài chính với trí tuệ nhân tạo, và đặc biệt là vai trò của các chỉ tiêu ESG (môi trường – xã hội – quản trị) trong kỷ nguyên chuyển đổi số. 

Đây là sự kiện thứ ba nằm trong chuỗi tọa đàm Finovate Day vốn được khởi xướng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2022. Đại diện đơn vị tổ chức JobHopin chia sẻ, gần 2.000 người tham dự từ hai hội thảo trước, đa số là lãnh đạo và quản lý cấp cao, cho thấy nhu cầu của nhân sự ngành tài chính - ngân hàng trong việc cập nhật xu hướng và tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới.