Từ đầu năm đến nay, việc thực hiện kế hoạch sản lượng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đặt ra còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các đơn vị linh hoạt, quyết liệt tập trung quản lý đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo năng suất vườn cây ổn định, phấn đấu tổng sản lượng toàn VRG năm 2024 đạt 470.000 tấn, vượt trên 5% so kế hoạch.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quản lý chất lượng các vườn cao su. Đơn cử, tình hình nắng hạn rất nghiêm trọng, số lượng cây cao su kinh doanh bị chết đến 165.650 cây, chủ yếu khu vực Campuchia và Bình Thuận (quy đông đặc 298 ha). Hiện tượng giông lốc làm gãy đổ 22.967 cây (quy đông đặc 41 ha). Ngoài những cây bị thiệt hại hoàn toàn, diện tích bị ảnh hưởng trực tiếp có khả năng phục hồi chậm ước khoảng 538 ha. Tình hình thời tiết còn bất lợi trong những tháng còn lại, dự báo hiện tượng La Nina có khả năng hình thành từ tháng 9 trở đi với xác suất trên 70%, mưa bão tập trung từ tháng 8 – 10. Tình hình bệnh hại chưa thể lường trước được.
Với hơn 400.000 ha vườn cây cao su (gần 300.000 ha trong nước và 120.000 ha nước ngoài), VRG đang quản lý khối lượng cơ sở dữ liệu rất lớn về thông tin lãnh thổ và lý lịch vườn cây hàng năm.
Với diện tích vườn cây tương đối lớn, trải dài trên nhiều địa hình khác nhau trong và ngoài nước, công tác quản lý của Tập đoàn vô cùng khó khăn.
Đơn cử, trong công tác quản lý về lãnh thổ và lý lịch vườn cây, mỗi công ty có thể quản lý vài nghìn ha cao su với chu kỳ canh tác lên đến hơn 25 năm thì cơ sở dữ liệu không gian và số liệu kiểm kê hàng năm chiếm một khối lượng công việc đáng kể. Tuy nhiên, việc quản lý vườn cây hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào các công cụ truyền thống như các văn bản, báo cáo, tài liệu, bản đồ giấy… nên hiệu quả chưa cao.
Bởi vậy, ngay từ sớm, VRG đã chủ động áp dụng công nghệ số, mục tiêu trong thời gian tới là xây dựng hệ thống quản lý chung thống nhất và sẽ triển khai đồng bộ đến các đơn vị. Lãnh đạo Tập đoàn xác định xây dựng bản đồ số hóa là vấn đề cấp bách, cần thực hiện và phải làm để xây dựng hệ thống quản lý nên đã giao cho Ban Quản lý kỹ thuật xây dựng kế hoạch đầu tư ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý GIS và điện toán đám mây (Cloud computing) để quản lý dữ liệu mang tính chuyên nghiệp và hiệu quả.
Tới nay, công nghệ 4.0 đã và đang là xu thế, hầu hết các công ty của VRG đã thực hiện tùy theo các mức độ khác nhau. Theo đánh giá của Ban Quản lý kỹ thuật của VRG, hiện nay nhiều công ty đã sử dụng phần mềm để xây dựng bản đồ kỹ thuật số quản lý vườn cây. Giải pháp “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và điện toán đám mây (Cloud computing) quản lý cơ sở dữ liệu vườn cây toàn Tập đoàn” là lựa chọn phù hợp, nhằm quản lý hiện trạng sử dụng đất, vườn cây, lãnh thổ, hỗ trợ các thông tin đa dạng kịp thời cho việc điều hành quản lý của Tập đoàn.
Hướng tới kho dữ liệu dùng chung của ngành, mục tiêu trong thời gian tới của VRG là xây dựng được hệ thống, để thống nhất triển khai đồng bộ đến các đơn vị để quản lý.