Tại tọa đàm "Tiếp sức cho doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ" hôm 12/11, khi thảo luận về vấn đề: Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, ngoài việc đầu tư thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển chuỗi cung ứng linh kiện, còn xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện quy mô lớn, đồng thời trao đổi với các nhà sản xuất khu vực nhằm chia sẻ chi phí. Ông Bùi Thanh Nam, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Nhựa Hà Nội cho rằng: Giải pháp một người không làm được thì 2,3 người làm, đi đường dài phải có bạn.

{keywords}
Ngành CNPT Việt Nam: "Đi đường dài phải có bạn"

Ông Nam cho biết, Tập đoàn An Phát Holdings đã cùng VinFast thành lập công ty chuyên sản xuất các linh kiện ôtô, xe máy. Trong thời gian tới, công ty cổ phần Nhựa Hà Nội cũng sẽ tập trung vào ngành CNHT, đặc biệt là ngành Công nghiệp ô tô.

Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020, dòng xe dưới 9 chỗ, chúng ta sản xuất hơn 415.000 xe, đến năm 2030 tỉ lệ nội địa hóa yêu cầu của Chính phủ là đến 50%, đó là cơ hội rất lớn của các doanh nghiệp như chúng tôi. Tập đoàn An Phát Holdings và Nhựa Hà Nội cũng định hướng theo mục tiêu này. Vừa rồi chúng tôi cũng thành lập công ty chuyên tạo khuôn – gia công các sản phẩm điện tử và thành lập một trung tâm gia công lớn.

“Nếu được sự hỗ trợ của Chính phủ nữa thì chúng tôi phát triển rất tốt”, ông Nam quả quyết.

Chính sách nào thì cũng cần thực tế

Có một thực tế, ở Việt Nam, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ muốn vay vốn để đầu tư buộc phải có thế chấp tài sản; trong khi ở các nước như Nhật, Hàn Quốc, chỉ cần cung cấp hợp đồng cấp hàng là được giải ngân.

Từ thực tế hoạt động kinh doanh, bà Phan Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Minh chia sẻ: Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc để hỏi câu hỏi này với họ và được biết khi họ có chương trình, dự án sẽ được hỗ trợ. Ví dụ mua một cái máy nhà nước sẽ cho nửa tiền, đầu tư một dây chuyền nhà nước sẽ cho một nửa… Hay lãi suất ở ngân hàng của Nhật Bản có lúc bằng âm, hay 1%.

Còn doanh nghiệp Việt Nam công nghiệp hỗ trợ chịu lãi suất cao. Vậy làm sao doanh nghiệp có thể sống nổi với lãi suất cao như vậy? Việt Nam cũng có việc thế chấp hợp đồng, nhưng nhiều doanh nghiệp hết tài sản rồi thì thế chấp bằng gì?

Nếu có chính sách tốt hơn thì các doanh nghiệp phát triển hơn rất nhiều. Chính sách nào thì cũng cần thực tế, mang lại giá trị, biến nội lực đất nước thành thành quả. Dẫn chứng bằng câu chuyện của Vinfast, bà Minh nhấn mạnh: “Việt Nam cần nhiều ông lớn như thế để làm ra nhiều sản phẩm lớn. Nhưng điều đó còn rất xa vời với Việt Nam”.

Chia sẻ với quan tâm của bà Minh, ông Bùi Thanh Nam cho rằng, nếu được hỗ trợ tốt của Chính phủ, Nhà nước thì doanh nghiệp sẽ phát triển hơn nữa.  Khách hàng rất lớn, mỗi khách hàng, hiện nay dung lượng thị trường nhỏ, nhưng chúng tôi cố gắng có nhiều khách hàng để tạo ra dung lượng lớn hơn.

Chúng tôi cũng mong muốn sự hỗ trợ về mặt chính sách của  nhà nước vì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gặp nhiều khó khăn về giá cả, thị trường, chi phí đầu tư. Nếu không đủ tiềm năng, nếu không có sự hỗ trợ thì khó mà làm được.

Sự can thiệp của Nhà nước phải có lý

Một chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ từng nhận định: Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất thiết phải có bàn tay hữu hình của nhà nước thông qua hệ thống chính sách, tìm kiếm sản phẩm với lợi thế đầu tư cạnh tranh được.

Từ góc độ hiệp hội, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) quan ngại, để cạnh tranh bình đẳng, bao giờ mới đến doanh nghiệp trong nước nên rất cần có sự tham gia của Nhà nước. Tuy nhiên, sự can thiệp của Nhà nước phải có lý: Tư duy công chức của Việt Nam khác. Doanh nghiệp chỉ dám nói đến hỗ trợ, chưa nói đến cùng làm.

Còn ông Nam thì vẫn nhất quán cho rằng, chính sách phải thay đổi theo thực tế.  Ví dụ, trong ngành nội địa hóa các chi tiết ô tô mà công ty tôi đang làm, có một vấn đề là muốn nội địa hóa được linh kiện ô tô tại Việt Nam thì phải đảm bảo điều kiện giá của nó phải thấp hơn giá nhập khẩu, trong khi vẫn phải đảm bảo chất lượng kỹ thuật. Các chính sách nên thấu hiểu hơn một chút đối với ngành của chúng tôi.

Ví dụ, ngành nhựa ép phun - chúng tôi làm nội địa hóa các sản phẩm ô tô cho các công ty nước ngoài thì vấn đề đặt ra là khuôn của nó giá trị rất cao, là cốt lõi để chúng ta sản xuất ra các linh kiện nhựa của ô tô, nhưng khuôn đầu tư rất lớn, giá trị nhiều tỉ đồng. Giá trị lớn như vậy mà sản xuất ra các linh kiện nhỏ thì không đủ sức cạnh tranh. Do vậy, chúng tôi mong muốn nhà nước xem xét lại việc này, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất khuôn, làm sao duy trì được sự phát triển.

Chia sẻ với các trăn trở của ông Nam, bà Trương Thị Chí Bình thừa nhận, ở Việt Nam, chính sách nào cũng có, từ chính sách về đất đai đến hỗ trợ tài chính, nhưng vấn đề thực thi kém, chỉ có trên giấy, môi trường kinh doanh vẫn còn phiền phức, các tiêu chuẩn áp dụng chưa đúng, chưa phù hợp.

“Cho nên câu chuyện ở đây là phải thay đổi tư duy, thay đổi về mặt con người cải thiện môi trường kinh doanh, có như thế thì chính sách mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hội nhập, tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu”, bà Bình nhấn mạnh.

Tâm Anh