Tiềm năng lớn nhưng khó tìm nhân sự

CNTT vẫn luôn được xem là ngành học của tương lai. Đại dịch Covid-19 và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ là những chất xúc tác để ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhận ra tầm quan trọng của CNTT.

Tại tọa đàm “Xu hướng nghề nghiệp trong tương lai” do Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức ngày 10/8/2022, ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dũng), nhà sáng lập Quỹ đầu tư Do Ventures nhận định, khi Covid-19 diễn ra, nhiều lĩnh vực phát triển nhanh chóng như giao đồ ăn hoặc đi chợ online.

“Khi hành vi tiêu dùng thay đổi, các doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng và sử dụng nhiều nhân sự để phát triển nền tảng bán hàng. Chính vì thế, nguồn nhân sự CNTT cho các công ty đó cũng dần tăng đột biến. Nhiều nước trên thế giới sẵn sàng tuyển dụng nhân sự ở các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Philippines hoặc Trung Quốc để cắt giảm chi phí, tạo ra bước dịch chuyển cơ cấu việc làm”.

“Doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, trong lĩnh vực mới hoặc với bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần nhân sự trong lĩnh vực CNTT để vận hành và xử lý thông tin. Tôi nghĩ xu thế đó còn tiếp diễn một thời gian dài nữa”, đại diện Do Ventures đánh giá.

Tuy nhiên trái với nhu cầu nhân sự CNTT đang gia tăng, nguồn cung lao động trong mảng này tại Việt Nam vẫn đang thiếu trầm trọng dù mức lương được trả không hề thấp. Báo cáo về thị trường IT Việt Nam của nền tảng tuyển dụng TopDev cho thấy năm 2021, Việt Nam cần khoảng 450.000 nhân lực trong ngành CNTT nhưng số lượng lập trình viên hiện tại mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.

Có tới hơn 40% các doanh nghiệp CNTT thừa nhận đang rất khó khăn để tìm kiếm nhân sự cho các mảng quan trọng như quản lý, giám sát và kiến trúc hệ thống dù mức thu nhập cho những nhân sự dạng này vào khoảng 1.300 USD cho đến hơn 2.200 USD/tháng, cao hơn mặt bằng chung của các ngành khác khá nhiều.

Thiếu nhân lực CNTT chất lượng cao trở thành bài toán cấp thiết của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi nhiều nhân tài của Việt Nam đã được các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, Nhật, EU, Singapore…tuyển dụng và săn đón.

Nâng cao đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế

Vài năm trở lại đây, nhiều đại học tại Việt Nam đã và đang tích cực chuyển mình để đào tạo ra thế hệ sinh viên CNTT không chỉ mạnh về số lượng mà còn cả chất lượng. Các trường hàng đầu đào tạo ngành CNTT có thể kể đến như Đại học Bách Khoa; ĐH Công nghệ, Trường Quốc tế-ĐHQGHN; ĐH Việt Nhật; ĐH Khoa học Tự nhiên…

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN cho biết nhà trường đã có nhiều ngành mới và đặc biệt, quy mô sinh viên những ngành Kỹ thuật, Công nghệ tăng lên tới 30% thay vì chỉ 9% như trước đây.

“Nếu chúng ta đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin mà chỉ có công nghệ thông tin thôi thì sẽ không đào tạo ra được những nhân tài. Nhưng nếu ở các lĩnh vực mà sinh viên có kiến thức chuyên môn tốt, lại thêm công nghệ thông tin nữa thì rất tuyệt vời”, ông Nguyễn Đình Đức nói.

Tại Trường Quốc tế - ĐHQGHN, từ năm 2022, một số chuyên ngành mới của CNTT đã được đưa vào tuyển sinh, với nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ví dụ, với ngành Công nghệ thông tin ứng dụng, sinh viên sẽ được trải nghiệm chương trình đào tạo mang tính liên ngành cao, kết hợp giữa công nghệ thông tin, an toàn không gian số, hệ thống nhúng và công nghệ IoT (Internet of Things). 

Trong khi đó, ở ngành Công nghệ tài chính và Kinh doanh số (FinTech and Digital Business), sinh viên theo học sẽ được trang bị các kiến thức và kĩ năng tích hợp về công nghệ và kinh doanh để có thể làm việc tốt trong các lĩnh vực mới trong kỷ nguyên số như công nghệ tài chính, tiếp thị số, blockchain, tiền điện tử…

Hay với ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics (IE - Industrial Engineering and Logistics Systems), sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức về công nghệ kỹ thuật, phương pháp và công cụ quản lý từ nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm dịch vụ, đến quản trị chuỗi cung ứng, quản trị sản xuất và hậu cần…

Điểm chung là cả 3 chuyên ngành này đều được tích hợp với chương trình Thạc sĩ, do đó sinh viên chỉ cần học tiếp 1 năm sau khi tốt nghiệp cử nhân là sẽ nhận bằng Thạc sĩ. Ngoài ra, chương trình đào tạo 2 năm đầu tiếng Việt, 2 năm cuối tiếng Anh sẽ phù hợp với những sinh viên khối A có nguyện vọng nâng cao trình độ ngôn ngữ tiếng Anh chuyên ngành sau khi tốt nghiệp.  

Đặc biệt, cách tiếp cận đào tạo của chương trình dựa trên các dự án nhóm, thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp ngay từ những năm đầu. Cách tiếp cận này giúp sinh viên sớm nắm bắt được các kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề trong thế giới thực, thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

“Chúng tôi tự hào vì Trường Quốc tế có rất nhiều cựu sinh viên thành đạt. Tôi tin rằng đây sẽ địa chỉ tốt, đáp ứng đúng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực CNTT trong thời đại 4.0 hiện nay”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Phụ huynh và thí sinh cần tư vấn thêm thông tin tuyển sinh liên hệ:

Văn phòng tuyển sinh Trường Quốc tế, ĐHQGHN

Nhà G8, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội

Bộ phận tuyển sinh, Phòng công tác sinh viên

Nhà C, Làng Sinh viên HACINCO, 79 Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội

Email: tuyensinh@vnuis.edu.vn

Website:https://ts.isvnu.vn

Hotline: 024. 3555 3555 | 0983 372 988 | 0379 884 488 | 0989 106 633 

Fanpage https://www.facebook.com/truongquocte.vnuis

Bích Đào