Nhìn trên bản đồ thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài nhất, lên tới hơn 3.000 km, cùng một hệ thống sông ngòi nội địa khá dày đặc suốt từ bắc vào nam. Bởi thế, giao thông đường thủy và đường biển đã sớm hình thành trong lịch sử nước ta, song hành với sự hình thành, phát triển của ngành đóng thuyền và các kỹ thuật, thiết kế thuyền phục vụ các mục đích khác nhau. Nhưng thật ngạc nhiên khi thật hiếm tác giả viết một cuốn sách dành riêng về chủ đề ngành đóng thuyền cũng như kỹ thuật, thành tựu đóng tàu thuyền mà người Việt Nam đã từng đạt được trong lịch sử phát triển dài của mình.
Dù có dung lượng tương đối khiêm tốn, “Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn” của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đã ít nhiều cung cấp cho người đọc một cái nhìn vào lĩnh vực này trong phần lịch sử Việt Nam từ thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cho tới cuối thời Tự Đức của triều Nguyễn, khi các hoạt động đóng tàu thuyền có tổ chức của chính quyền phong kiến Việt Nam coi như chấm dứt hoàn toàn.
“Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn” được chia thành hai phần:
- Phần 1: Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII.
- Phần 2: Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn
Sử dụng các nguồn sử liệu phong phú, gồm cả các sử liệu chính thống của nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho tới các ghi chép của tác giả ngoại quốc như Thích Đại Sán, John Barrow, Alexander de Rhode... và công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước như Phan Khoang, tác giả Trần Đức Anh Sơn đã bỏ công tìm kiếm những thông tin, manh mối liên quan tới chủ đề ngành đóng thuyền cũng như các loại tàu thuyền được đóng tại Việt Nam trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX.
Bên cạnh các tài liệu văn bản, tác giả cũng tìm kiếm các bằng chứng hình ảnh từ các nguồn khác nhau như hình khắc trên Cửu đỉnh trong Đại Nội Huế hay các hình vẽ đương thời hay phục dựng để cung cấp cho độc giả hình dung sống động và tiệm cận thực tế nhất có thể về những loại tàu thuyền cha ông chúng ta từng chế tạo và sử dụng trong quá khứ.
Trong phần một của cuốn sách, tác giả lần ngược lại thời kỳ khởi nghiệp của các chúa Nguyễn tại Đàng Trong, đặc biệt nhấn mạnh vào những chính sách, định chế mà chính quyền chúa Nguyễn thực thi để xây dựng năng lực đóng thuyền cũng như hạm đội thuyền của nhà nước phục vụ mục đích duy trì, khuếch trương thế lực và sức mạnh của chính quyền Đàng Trong. Các bằng chứng trích dẫn từ nhiều nguồn tư liệu cả trong và ngoài nước được tác giả cung cấp đã cho thấy sự chú trọng liên tục của các chúa Nguyễn trong đầu tư nguồn lực cả về vật chất, nhân lực và tổ chức, quản lý cho ngành đóng tàu cũng như cho công tác tổ chức, xây dựng hạm đội thuyền.
Bên cạnh đó, ghi nhận từ những người ngoại quốc trong giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII cung cấp bằng chứng khách quan về những thành tựu quan trọng của Đàng Trong trong ngành kỹ nghệ đóng tàu cũng như tạo lập, duy trì sức mạnh hải quân. Năng lực và sức mạnh này đã cho phép các chúa Nguyễn đứng vững trong cuộc xung đột với thế lực chúa Trịnh ở Đàng Ngoài có ưu thế về quân số, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình mở rộng vùng ảnh hưởng của chúa Nguyễn xuống phía nam, định hình nên lãnh thổ Việt Nam hiện đại ngày nay, cũng như bảo vệ lãnh hải trong những cuộc chạm trán với hải tặc hay hải đội Hà Lan.
Ngành đóng thuyền tại Đàng Trong có một bước chuyển quan trọng trong giai đoạn chiến sự giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn. Trước lực lượng thủy-hải quân rất mạnh của Tây Sơn, Nguyễn Ánh tiếp tục duy trì sự chú trọng với lĩnh vực đóng thuyền theo truyền thống của các chúa Nguyễn trước đó, song ở đây đã có sự thay đổi ở việc du nhập các kỹ thuật đóng thuyền phương Tây kết hợp vào những kỹ thuật đã tồn tại trước đó để tạo ra các loại thuyền mới, đặc biệt là chiến thuyền, để phục vụ nhu cầu chiến tranh. Chính sự mạnh mẽ của tiềm lực đóng thuyền và hạm đội đã đóng vai trò quan trọng để giúp Nguyễn Ánh dần chiếm thế chủ động trên chiến trường, tiến tới đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước.
Trong phần hai của cuốn sách, tác giả Trần Đức Anh Sơn tiếp tục cuộc tìm hiểu về các chính sách, tổ chức và thay đổi trong ngành đóng thuyền tại Việt Nam dưới thời triều đại nhà Nguyễn, chủ yếu trong 4 đời vua đầu tiên của triều đại này. Có thể thấy rõ hai giai đoạn rõ rệt trong thời kỳ này. Ở thời kỳ đầu sau khi triều Nguyễn thành lập, vua Gia Long vẫn tiếp tục các chủ trương của giai đoạn trước để phát triển ngành đóng thuyền và duy trì sức mạnh thủy-hải quân. Xu thế này tiếp tục trong thời Minh Mạng, bao gồm cả việc tiếp cận với công nghệ máy hơi nước sử dụng trong tàu thuyền.
Các bằng chứng từ các sử liệu cho thấy vua Minh Mạng hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng của việc học hỏi, làm chủ công nghệ hơi nước trong chế tạo tàu thuyền đến việc duy trì sức mạnh toàn diện của vương quốc. Song tới đây cũng bắt đầu quá trình chững lại của công nghệ đóng thuyền tại Việt Nam, bất chấp một số thành tựu, trong đó có chế tạo một số mẫu tàu hơi nước “nội địa”, dù mới chỉ dừng ở mức độ chế tạo thử nghiệm và ý nghĩa ứng dụng còn hạn chế.
Cùng với sự suy yếu về quốc lực thời Thiệu Trị và Tự Đức cùng tình hình nội bộ rối ren cũng như mối đe dọa bên ngoài từ người Pháp, cơ sở hạ tầng, năng lực của ngành đóng thuyền Đại Nam thuộc nhà nước ngày càng suy yếu cho tới khi gần như hoàn toàn kết thúc vai trò vào cuối thời Tự Đức. Bên cạnh những thông tin lịch sử, tác giả Trần Đức Anh Sơn cũng cung cấp những hình ảnh tư liệu, phục dựng từ nhiều nguồn khác nhau về một số loại thuyền tiêu biểu được chế tạo vào thời triều đại nhà Nguyễn, kế tiếp giai đoạn các chúa Nguyễn trước đó.
Số lượng sử liệu cả văn bản và hình ảnh được tập trung, hệ thống hóa trong cuốn sách nhỏ này, cho dù còn khiêm tốn về quy mô, đã giúp độc giả muốn tìm hiểu về lĩnh vực đóng thuyền của Việt Nam trước đây có một tài liệu mang tính tổng hợp để tiếp cận một chủ đề thú vị nhưng còn ít được đề cập trong các sách khảo cứu lịch sử đã được xuất bản tại Việt Nam cho tới nay.
Bảo Phùng, Thu Thủy, Đàm An