Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số.

Trong đó, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và đặc biệt góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

W-nongnghiep.png
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai...

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một tập hợp các dịch vụ công đã được tích hợp lên cùng một nền tảng công nghệ chung để giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn.

Về phát triển dữ liệu, thường xuyên cập nhật và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai...

Trong lĩnh vực Thủy lợi, đã triển khai xây dựng nền tảng chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành cấp nước cho dân sinh, sản xuất và đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.

Đối vỡi lĩnh vực trồng trọt, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân sản xuất đã áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng… góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng.

Trong chăn nuôi, một số trang trại đã áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, cho ăn và cấp nước uống tự động; quản lý, theo dõi chăn nuôi, xuất xứ động vật nuôi bằng phần mềm… Công nghệ IoT, Blockchain, tin sinh học đã được ứng dụng tại trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn.

Với ngành thủy sản, đã ứng dụng hệ thống giám sát hành trình, phần mềm Vnfishbase trong khai thác thủy sản để quản lý tàu cá và hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác trên biển. Công nghệ IoT đã được ứng dụng trong đo lường, theo dõi, giám sát chất lượng nước tự động 24/24; đo độ mặn của sông, cho biết thời điểm xâm nhập mặn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp gặp phải các khó khăn, vướng mắc.

Hiện tại chưa có các quy định riêng về dữ liệu ở mức Luật, các quy định về dữ liệu còn lồng trong các văn bản, quy định hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin. Dữ liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ còn rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của đơn vị. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ chưa chủ động, tự nguyện mở dữ liệu để khai thác, sử dụng do lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu.

Bên cạnh đó, nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số. Ba là, thiếu sự đồng bộ trong việc triển khai thực hiện về: Cơ sở hạ tầng nền tảng; phần mềm nền tảng, dùng chung; cơ sở dữ iệu liên thông, chia sẻ, tích hợp...