Báo cáo mới nhất của Deloitte Việt Nam đã chỉ ra trong vòng 5 - 10 năm tới, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với những “đại” xu hướng liên qua đến các vấn đề như dân số, đô thị hóa, kỹ thuật nông nghiệp, thay đổi khí hậu, toàn cầu hóa thương mại…

Theo bà Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc bộ phận Dịch vụ SAP và Digital Practive, Delloitte Việt Nam, dự báo đến năm 2050 dân số toàn cầu sẽ đạt trên 10 tỷ người. Với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh như vậy, việc đảm bảo an ninh lương thực đòi hỏi phải tăng năng suất, tăng sản lượng nông nghiệp trong thời gian tới.

Ngoài ra, người nông dân trong tương lai cũng sẽ phải đối mặt và cạnh tranh với những “người chơi” mới, do đó việc đón nhận những giải pháp công nghệ và hệ sinh thái mới là cần thiết.

“Ứng dụng số hóa, công nghệ sinh học, các kỹ thuật công nghệ mới,... sẽ kích hoạt năng suất cao hơn cho nông nghiệp, giảm được chi phí và góp phần bảo vệ môi trường. Sự chính xác trong quá trình trồng trọt, sản xuất nông nghiệp sẽ giảm thiểu đến 40% lượng phân bón được sử dụng”, bà Hiệp nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là giải pháp then chốt cho phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong bối cảnh mới.

Bởi chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, tạo thành cơ chế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đây chính là nội dung cốt lõi của phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng trong nền nông nghiệp tuần hoàn.

W-masovung.png
Ảnh minh hoạ

Tại Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp nhấn mạnh, định hướng của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số nông nghiệp đó là: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng hệ thống dữ liệu lớn; Thúc đẩy phát triển nông dân số; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; Tự động hóa quy trình sản xuất; Giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; Phát triển thương mại điện tử trong ngành nông nghiệp; Chuyển đổi số trong quản lý, điều hành.

Chuyển đổi số là thay đổi phương thức làm dựa trên công nghệ số và dữ liệu. Với hiện trạng của dữ liệu ngành nông nghiệp, việc chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu là hết sức quan trọng. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp hình thành nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thể hiện qua các ứng dụng ở 4 nhóm hoạt động chính, bao gồm: (1) giám sát; (2) điều khiển; (3) dự báo; (4) hậu cần.

Bà Chu Diễm Hằng, Trưởng Phòng Chuyển đổi số và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho hay, các giải pháp chuyển đổi số trong ngành NN&PTN, đó là: Cảm biến và mạng lưới Internet vạn vật (IoT); Hệ thống quản lý nông trại thông minh; Trí tuệ nhân tạo (AI); Chuỗi khối (Blockchain); Truyền thông và thương mại điện tử; Robot và tự động hóa; Mạng lưới quản lý nông nghiệp thông minh; Học máy trong phân tích dữ liệu nông nghiệp; Đào tạo và giáo dục; Đối tác và cộng đồng; Định hướng dài hạn.

"Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là một quá trình liên tục và cần có một định hướng dài hạn. Việc xác định mục tiêu và kế hoạch chiến lược sẽ giúp định rõ hướng đi và cam kết của ngành nông nghiệp với việc sử dụng công nghệ và các giải pháp số hóa. Đồng thời, định hướng dài hạn cũng cần đảm bảo tính bền vững và tạo ra giá trị cho cả người nông dân và môi trường", bà Chu Diễm Hằng khẳng định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, để có thể chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đạt hiệu quả, những nút thắt cần giải quyết có thể kể đến như Nhận thức, thể chế chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, ứng dụng số chưa toàn diện; chưa xây dựng được kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng; hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán; nguồn lực đầu tư manh mún.

Thanh Bình và nhóm PV, BTV