Đừng chỉ nghĩ đến sản lượng mà quên vấn đề môi trường
Tại họp báo Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau” chiều 25/3, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh khẳng định, mục tiêu cao nhất của tỉnh là phát triển bền vững ngành nuôi biển.
Ông Sơn nhấn mạnh, Quảng Ninh đã xác định lợi thế của địa phương trong phát triển ngành nuôi biển, với chủ trương tránh mâu thuẫn với ngành du lịch mà thay vào đó tạo ra giá trị gia tăng.
Về phân vùng nuôi biển, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã thực hiện và giao vùng biển trong thời hạn 30 năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quản lý, năm qua, Quảng Ninh tập trung lực lượng xử lý môi trường biển.
Khu vực nuôi biển hiện nay được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và áp dụng quy chuẩn cao hơn. Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành nghiên cứu cơ chế và chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương.
Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nước ta có rất nhiều tiềm năng để nuôi biển. Vấn đề là các địa phương có quyết tâm làm hay không.
“Còn trong quá trình làm mà thấy khó quá có thể về Quảng Ninh học tập”, ông nói và chỉ rõ, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nuôi biển nhờ quyết tâm điều chỉnh, quy hoạch nghề nuôi biển theo hướng mang lại đời sống tốt hơn cho nông dân và bảo vệ vùng biển xanh, phát triển nghề cá.
Ông Luân nêu thực trạng, khi quy hoạch không gian phát triển nuôi biển, “đường kẻ nào cũng được tô quá đậm” nên không ai dám vượt ranh giới. Theo ông, không gian phát triển nuôi trồng thủy sản không nên bị bó hẹp bởi những quy hoạch “đã tô đậm” mà cần vượt ra ranh giới, tích hợp cùng với các ngành kinh tế khác như du lịch.
“Ngày xưa đi câu cá thấy con nào cắn câu thì sướng vô cùng. Nhìn xuống nước có con cá nhỏ ở mặt trên, dưới sâu hơn con cá to lững lờ bơi rất thích... Vậy tại sao nuôi biển không gắn với du lịch, giải trí”, ông đặt vấn đề.
Song, ông cũng nhấn mạnh, dù phát triển theo hướng nào thì nghề nuôi biển cũng hướng tới các hoạt động giảm phát thải, tăng trưởng xanh theo cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế. Không thể chỉ quan tâm tới sản lượng đầu tạ hay đầu tấn mà quên đi vấn đề môi trường.
Giao mặt nước nuôi biển, tỉnh có quyền quyết định
Đề cập tới vấn đề nuôi biển, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, thừa nhận còn tiềm năng lớn, song doanh nghiệp nuôi biển đối mặt với rất khó khăn.
Theo ông Dũng, đến thời điểm này chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý. Đây là rào cản lớn, khiến doanh nghiệp khó có thể đầu tư vào lĩnh vực này vì liên quan đến giấy phép và pháp lý.
Hiệp hội đã tiếp nhận hàng chục khuyến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp với mong muốn giải quyết những trở ngại này. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự kết nối hiệu quả giữa các bộ, ngành về chính sách nuôi biển.
Việc thu hút đầu tư cho ngành nuôi biển còn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như giải pháp chính sách linh hoạt và hiệu quả từ các cấp quản lý địa phương.
Trước vướng mắc về giao mặt nước biển cho người dân, doanh nghiệp đầu tư cho phát triển nuôi biển khi chưa có quy hoạch không gian biển, ông Trần Đình Luân cho hay vùng biển trong phạm vi 3 hải lý là thuộc thẩm quyền của huyện, từ 3-6 hải lý là tỉnh. Do đó, chính quyền địa phương hoàn toàn có đủ thẩm quyền phát triển nuôi biển trong phạm vi cho phép.