Nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã có chia sẻ với báo chí về những kết quả đã đạt được trong năm 2017 và kỳ vọng trong năm 2018.
PV: Khi Quốc hội phê chuẩn chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, có ý kiến cho rằng, ông sẽ chịu nhiều áp lực, nhất là trong giai đoạn nước ta đang tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xây dựng bộ máy liêm chính. Sau hơn 2 tháng đảm nhận chức vụ, xin ông chia sẻ cảm nhận của mình?
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái: Khi được Chính phủ đề nghị, Quốc hội tin tưởng, phê chuẩn giữ chức vụ Tổng Thanh Tra Chính phủ, tôi rất xúc động và không khỏi lo lắng.
Đây là vị trí công tác rất quan trọng trong giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Sau hơn 2 tháng đảm nhận chức vụ, tôi thấy, nhiệm vụ đặt ra với Thanh tra Chính phủ và ngành thanh Thanh tra rất nặng nề.
Điều này, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức thanh tra phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, thường xuyên rèn luyện để có đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu; làm việc phải công tâm, khách quan, thận trọng mới có thể phân tích, đánh giá, kết luận, kiến nghị các biện pháp giải quyết, xử lý phù hợp, kịp thời.
Người đứng đầu ngành Thanh tra còn phải có tầm nhìn bao quát, chịu được áp lực trong triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao.
Các chỉ tiêu phát hiện vi phạm về kinh tế tăng cao, xử lý được nhiều “điểm nóng"
PV: Nhìn lại năm 2017 cho thấy, hoạt động thanh tra hành chính và chuyên ngành được tăng cường, các chỉ tiêu phát hiện vi phạm về kinh tế đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, giải quyết được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân?.Xin ông nói rõ hơn về những kết quả đã đạt được trong năm 2017?
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái: Năm qua, công tác thanh tra đã đạt được nhiều kết quả tích cực theo đúng định hướng, kế hoạch được phê duyệt và các nhiệm vụ đột xuất được giao. Toàn ngành đã phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586 ha đất, đã kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng, 4.941 ha đất...; đồng thời, qua thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng; chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật. Ngành thanh tra cũng đã quan tâm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Bên cạnh đó, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì đã có những chuyển biến rõ nét. Ngành Thanh tra đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, quyết liệt, giúp thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức tiếp 415.383 lượt công dân, tiếp nhận, xử lý 306.519 đơn thư, giải quyết 25.519/30.324 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tập trung kiểm tra, rà soát các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài trên phạm vi cả nước để đề xuất giải pháp giải quyết dứt điểm, qua đó góp phần “hạ nhiệt” tình hình khiếu nại, tố cáo, xử lý được nhiều “điểm nóng”, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Ngành Thanh tra cũng tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là, kê khai tài sản, thu nhập, kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 72 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Với những kết quả đã đạt được, ngành Thanh tra đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội để đất nước phát triển, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
PV: Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, công tác của ngành thanh tra còn những hạn chế, tồn tại, chưa đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của nhân dân. Trên cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, điều gì còn làm ông trăn trở trước yêu cầu, nhiệm vụ của ngành ngày càng nặng nề?
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái: Nhìn nhận khách quan, thì rõ ràng công tác của ngành thanh tra còn những hạn chế, tồn tại. Một số cuộc thanh tra triển khai chậm hoặc còn để kéo dài thời gian kết luận. Biện pháp xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật có trường hợp chưa nghiêm. Công tác xử lý sau thanh tra tỷ lệ thu hồi chưa đạt yêu cầu đề ra.
Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, chưa dứt điểm. Các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm. Mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng chưa đạt.
Trong khi đó, cơ cấu, tổ chức của các cơ quan thanh tra chưa hợp lý, thiếu sự đồng bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra còn hạn chế. Một số cán bộ thanh tra còn chưa chấp hành tốt đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, năng lực và trình độ chuyên môn chưa đạt yêu cầu.
Thậm chí, khi gặp những vụ việc khó khăn, phức tạp, vẫn có một số cán bộ, công chức thanh tra chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa dám đương đầu đấu tranh và kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng, thất thoát.
Những hạn chế trên, cùng với thực trạng vi phạm pháp luật diễn ra còn nhiều; tham nhũng vẫn nghiêm trọng, tinh vi; tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp đặt lên vai ngành Thanh tra nhiệm vụ nặng nề. Đây cũng chính là trăn trở lớn nhất của tôi khi nhận trách nhiệm lớn trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước.
Đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thi hành công vụ
PV: Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021, ngành thanh tra đã đề ra giải pháp nào để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên? Ông có muốn nhắn nhủ điều gì đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, ngành thanh tra nhân dịp đầu xuân năm mới Mậu Tuất 2018?
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái: Năm 2018 là năm bản lề và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2016-2021. Đất nước có nhiều thuận lợi, nhưng không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Thanh tra thì rất nặng nề.
Nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018, tôi muốn nhắn nhủ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người ngành Thanh tra: Phát huy truyền thông vẻ vang, thực hiện lời hứa trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, đoàn kết, nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đầu tiên là thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Cố gắng khắc phục việc chậm ban hành kết luận Thanh tra; chuyển các vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghiêm kết luận và kiến nghị của thanh tra.
Chủ động thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương có liên quan tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, không để phát sinh “điểm nóng”.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, chủ động tham mưu các ngành, các cấp tổ chức thực hiện bảo đảm quán triệt quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trên quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là quan trọng, cấp bách.
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo bảo đảm chất lượng, khả thi.
Cuối cùng, cần đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thi hành công vụ; cán bộ, công chức thanh tra phải “thanh sạch, gương mẫu, khách quan, công tâm” như lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên, tôi mong, ngay từ những ngày đầu năm, toàn ngành thanh tra phải bắt tay ngay vào việc, hành động một cách hiệu quả, sáng tạo, liêm chính, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thanh tra là tai, mắt của trên, là người bạn của dưới”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thanh tra!