Ngay khi biết tin giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào chiều 21/4, đại diện một DN vận tải hàng hóa đã phải thốt lên ngao ngán về những gánh nặng mà DN trong ngành đang “còng lưng” chịu. 

Sau 6 lần tăng liên tục và 3 lần điều chỉnh giảm, giá xăng dầu tiếp tục ghi nhận mức tăng trở lại. Ông chủ DN cho hay, trong ngành vận tải, định mức xăng dầu chiếm 20% là con số lý tưởng và hợp lý để các DN có thể sống và phát triển. Nhưng với đà tăng của nhiên liệu đầu vào, các đơn vị vốn rất vất vả sau dịch nay không thể tăng giá dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng như trước.

Đối với công ty này, chi phi dầu đã chiếm 35-40% tổng giá dịch vụ; phí cầu đường xung quanh khu vực TP.HCM chiếm 15-20%; lương cho đội ngũ tài xế, tiền ăn, chi phi khác luôn chiếm tối thiểu 15%. Như vậy tính ra, DN chỉ còn lại khoảng 15-20% doanh thu dùng cho khấu hao tài sản, chi phí hoạt động của công ty bao gồm lương bộ phận điều hành, điện nước, thuê văn phòng, bãi xe… Trong khi, trước đây, con số này tối thiểu phải còn lại 40%.

Giá nhiên liệu đầu vào tăng trở lại khiến các doanh nghiệp vận tải ngao ngán (ảnh: Trần Chung)

Trong hoạt động vận tải hành khách, anh Huỳnh Hữu Phước - Trưởng chi nhánh Kumho Samco Buslines tại Bến xe miền Tây thông tin, trước đây, tiền dầu chạy xe tốn khoảng 2,3 triệu/chuyến (tuyến TP.HCM - Hà Tiên, Kiên Giang) thì giờ đã lên 4,4 triệu/chuyến, cao gần gấp đôi. Dù được phép tăng giá vé cao hơn nhưng DN cũng chỉ dám tăng 10%, bởi tăng nhiều quá sợ người dân không sử dụng dịch vụ nữa.

Theo anh Phước, DN đang ở thế kẹt giữa, giá nhiên liệu tăng nhưng giá dịch vụ không thể tăng. Chưa kể, thời gian gần đây, lượng khách đi lại chưa lấp đầy xe như trước. Ví dụ, tuyến đi Hà Tiên, trước dịch, bình quân có 27-28 khách/xe, giờ chỉ còn 20-22 khách/xe. Đơn vị chỉ mong cầm hòa, không lỗ là may chứ đừng nói đến lời lãi thời điểm này. 

Anh Phạm Thanh Duyên, chủ nhà Duyên Hà (tuyến TP.HCM - TP. Gia Nghĩa, Đăk Nông) có 4/5 xe đang chạy hàng ngày, 1 xe nằm tại bến do không có khách. Các xe hoạt động thì lượng khách trung bình chỉ đạt 60-70% công suất. Thời điểm giá nhiên liệu đầu vào chưa biến động mạnh, một chuyến xe tốn khoảng 2,5 triệu tiền dầu (tương đương 160 lít), giờ đã ở mức 4 triệu đồng.

“Các nhà xe chạy giữ tuyến, giữ khách 2 năm trở lại đây. Tiền làm ăn tích lũy được trước đây dùng để duy trì qua dịch, giá nhiên liệu giờ lại cao. May không nợ ngân hàng, nếu không thì chịu chết. Nhiều công ty bán xe lắm rồi”, anh Duyên nói.

Đối với vận tải đường sắt, ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn, cho hay, DN cũng bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng 60-70% so với cùng kỳ. Đơn vị buộc phải điều chỉnh giá vé để bù đắp chi phí, giá vé tùy theo từng chặng đã điều chỉnh tăng từ 5-10%.

Không chỉ trên bộ, DN vận tải biển cũng chịu tác động lớn từ biến động giá xăng dầu. Kể từ ngày 1/4, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã phải điều chỉnh đơn giá vận chuyển qua lại giữa cảng Tân Cảng - Cát Lái, cảng Tân Cảng - Hiệp Phước và các cảng/ICD liên kết. 

DN tăng 10% giá dịch vụ vận chuyển đối với container xuất, nhập tàu tuyến vận chuyển qua lại giữa cảng Đồng Nai và cảng Tân Cảng - Cát Lái; tăng 30% đơn giá dịch vụ vận chuyển container xuất tàu tuyến từ các ICD liên kết (gồm ICD Phúc Long, ICD Transimex, ICD Tanamexco và ICD Sotrans) đến Tân Cảng Cát Lái…

Ví dụ, một container 45’H (có kích thước tương đương container 45 feet) di chuyển từ Đồng Nai về Tân Cảng Cát Lái, nếu đi đường bộ hiện mất 3,4 triệu/container; đường thủy mất 1,625 triệu/container.

Tân Cảng Sài Gòn lý giải, đây là đơn giá dịch vụ vận chuyển duy trì từ năm 2019 cho đến nay, trong khi chi phí đầu vào bao gồm chi phí nhiên liệu, chi phí phương tiện, giá cước vận chuyển, giá xếp dỡ tại các cảng và ICD đều tăng.

Trần Chung 

Giá xăng dầu tăng mạnh trở lại, mối nguy cơ ngày càng thêm áp lựcNgày 21/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng trong kỳ điều hành lần này.