Máy điện tử "Xếp gạch vàng"

Chiếc máy "low tech" nhất, rẻ tiền nhất trong số những cỗ máy chơi game được người Việt biết đến nhiều nhất và yêu thích nhất hóa ra lại là chiếc máy nổi tiếng nhất, đơn giản vì độ phủ của nó và mức giá dễ chịu cho tuyệt đại đa số người yêu game tại Việt Nam. Vì sao lại gọi nó là xếp gạch vàng? Vì nó chỉ có đúng 1 trò "xếp gạch", và lớp vỏ màu vàng tươi sáng.

 

Còn nhớ, khoảng 20 năm về trước, để mua chiếc máy này bạn phải bỏ ra 15 đến 20 nghìn Đồng. Không nhiều so với hiện tại, nhưng ở những năm cuối thập niên 90 thì con số này là khổng lồ đối với nhiều game thủ nhí. Nhiều cậu bé cô bé phải chờ đến Tết để xin bố mẹ tiền mừng tuổi sắm một chiếc máy màu vàng với dòng chữ "9999 in 1" nhưng kỳ thực chỉ có được hơn chục trò chơi lặp đi lặp lại. Màn hình đơn sắc, âm thanh 8 bit, lắp pin con thỏ vào chạy, thế nhưng thời ấy, chiếc máy là cả một khoảng trời riêng của những người yêu game.

PlayStation 2

Năm 2000, Sony giới thiệu máy chơi game thành công nhất mọi thời đại, PlayStation 2 (PS2). Là một bước tiến lớn so với PlayStation thế hệ đầu tiên, PS2 hiện đại hơn trong cách thiết kế cũng như nâng cao sức mạnh bên trong.

 

Trong suốt 16 năm, Sony đã bán ra tới 155 triệu máy PS2, nhiều gấp 6 lần so với đối thủ cùng thời là Xbox của Microsoft. Nhưng tới ngày hôm nay, người dùng sẽ phải nói lời chào tạm biệt với chiếc hộp chơi game này. Được dừng bán đã lâu, không còn có thêm các tựa game mới, nhưng PS2 vẫn còn có các hệ thống mạng cho phép chơi online các tựa game cũ. Nhưng cuối cùng, khi lượng người chơi còn quá ít, các server này cũng chính thức dừng hoạt động. Đồng nghĩa với việc người dùng PlayStation 2 không còn nhận được bất cứ một chút hỗ trợ nào.

 

Từ những năm 2000, PlayStation 2 đổ bộ làng game Việt. Còn nhớ những ngày đầu tiên chiếc máy vuông vức đen nhám thay thế cho cỗ máy xám nhạt ở những quán game, trong lòng anh em chúng tôi, vốn hồi đó mới chỉ học cấp 2 dâng trào một cảm xúc khó tả. Hình ảnh 3D mượt mà đẹp mắt thời những năm 2002, 2003 thôi thúc những con người say mê game ngồi ngay vào ghế, cầm chiếc controller đen lên và khám phá.

Điện tử thùng

Vào thời bấy giờ, hình ảnh cũng như âm thanh của hàng loạt những game từ đua xe, bắn súng cho tới những game thể loại game casual khác luôn khiến cho đôi mắt và tâm trí của những đứa trẻ như chúng ta cảm thấy bị cuốn hút không gì cưỡng lại được, cho dù nếu bây giờ nhìn lại, những trò chơi đó chẳng thể nào so bì được với những bom tấn đồ họa, hay thậm chí là những game tầm trung trên PC hay console bây giờ.

 

Quả thật vào lúc đó, khi lựa chọn của giới trẻ không nhiều, thì những địa điểm như Hanoi Star Bowl, Ngôi Sao Xanh, những rạp chiếu phim, một vài trung tâm thương mại xét riêng tại khu vực Hà Nội luôn là điểm đến của rất nhiều người ở mọi độ tuổi, từ trẻ em cho tới những thanh niên.

Một trong những lý do khiến cho những địa điểm chơi game thùng thu hút được rất nhiều người chính là bầu không khí tại đây. Những người bạn có thể so tài với nhau một cách thoải mái, và cảm giác khi chơi game thùng luôn rất thoải mái và vui nhộn chứ chẳng hề "hardcore" như trên PC hay console.

 

Và rồi dần dà, khi công nghệ ngày càng phát triển, các bậc phụ huynh thay vì thi thoảng đưa con cái của họ ra những địa điểm chơi game thùng, bỏ ra vài chục nghìn mua ít "xèng" và tạo ra một ngày cuối tuần như ý cho những đứa trẻ, giờ đây khi muốn cho con em họ "thư giãn", họ chỉ cần đưa chúng chiếc iPad hay điện thoại để chúng "ngồi ngoan một chỗ".

Nintendo DS

Satoru Okada, nguyên giám đốc bộ phận nghiên cứu và chế tạo của Nintendo trước khi nghỉ hưu vào năm 2012 mới đây đã có những chia sẻ cực hot với tờ tạp chí Retro Gamer Magazine về chiếc máy cầm tay Nintendo DS, một trong những máy chơi game độc đáo bậc nhất thế giới với khả năng hiển thị hai màn hình, ra mắt hồi năm 2004.

 

Ban đầu, đáng lẽ ra Nintendo DS đã bị biến thành phiên bản kế tiếp của Gameboy. Thế nhưng nhờ vào tầm nhìn của chủ tịch Nintendo, Yamauchi thời bấy giờ, nhóm phát triển đã tạo ra một cỗ máy nắp gập, với hai màn hình trên dưới. Điều đặc biệt là, màn hình phía dưới cảm ứng cho phép cả game thủ lẫn nhà làm game có được những trò chơi vô cùng sáng tạo chứ không bị ép vào khuôn khổ với những nút bấm vô cảm trên nhiều hệ máy khác.

Tại Việt Nam, Nintendo DS cũng có được một cộng đồng game thủ hâm mộ đông đảo, với những group quy tụ hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn thành viên, già có, trẻ cũng có, tạo thành một cộng đồng độc đáo xoay quanh chiếc máy điện tử cũng độc đáo chẳng kém.

PSP

Nhắc đến máy chơi game cầm tay, có lẽ Nintendo cùng những Game Boy, 3DS vẫn sẽ luôn là kẻ dẫn đầu, nhưng PSP cũng có thể coi là một nỗ lực tuyệt vời trong công cuộc chen chân vào thị trường đầy khó khăn này từ phía Sony. Đến nay sau gần 1 thập kỉ hoạt động, Sony vừa xác nhận rằng họ sẽ chính thức dừng bán PSP tại Nhật Bản - thị trường duy nhất mà chiếc máy chơi game vẫn còn sức sống trong nhiều năm qua.

\
 

Màn hình to, cấu hình khỏe, chơi được nhiều game hay, nhưng đi kèm với đó là nhược điểm cố hữu của PSP: Thời lượng pin rất ngắn. Không biết đã có bao nhiêu lần tôi cúi gằm mặt xuống gầm bàn để thưởng thức những trận đấu nảy lửa trong Crisis Core: Final Fantasy VII để rồi mặt ngắn tũn vì... hết pin chỉ sau 2 tiết học hồi cấp 3, hay những lần đang chơi thì quên sạc ngoài phòng khách, phải rón rén xuống lấy để không làm bố mẹ tỉnh giấc, phát hiện ra cậu con lẽ ra phải ngủ để sáng hôm sau đi học nhưng vẫn đang thức chong chong để chơi điện tử dù lúc ấy đã là 3h sáng.

Điện tử 4 nút

Trong thời gian qua, bên cạnh những cỗ máy chơi game mới mẻ và cao cấp như Xbox One hay PS4, hoặc những cỗ máy tính chơi game với cấu hình khủng được nhiều game thủ Việt sắm sửa trong thời gian qua, thì gần đây, một phong trào mới đã rộ lên. Thay vì việc bỏ tiền triệu để mua những máy console đắt tiền, nhiều người trẻ tuổi có vẻ như lại muốn trở về với "tuổi thơ dữ dội" với những thiết bị đã có tuổi, những cỗ máy đầy tính hoài cổ, dù đôi lúc xuất hiện từ thời kỳ nhiều người trong số chúng ta còn chưa ra đời.

 

Một lợi thế không thể nào chối bỏ của những cỗ máy chơi game cũ như NES, SNES, PlayStation 1 hoặc 2, hay GameBoy chính là mức giá của chúng. Không chỉ giới trẻ Việt Nam, mà ngay cả những bậc phụ huynh cũng đang quan tâm tới nhiều máy chơi game đã có tuổi đời hoặc thậm chí là mua đồ cổ cho con em mình vì tiêu chí giá cả.

 

Ấy là chưa kể, trong mắt nhiều ông bố bà mẹ đã từng có quá khứ với nhiều huyền thoại như Bắn Vịt, Mario, Contra cùng những cỗ máy một thời cũng muốn con cái họ thưởng thức những tựa game đó, dù rằng hình ảnh không mấy lôi cuốn như những "bom tấn" thời gian qua trên nền tảng PS3 hay PS4. Đó là những ký ức không thể nào quên trong tâm khảm của tôi, của bạn, hay của bất kỳ game thủ Việt 8x hay 9x đời đầu nào.

SNES

Một số người có thể cho rằng PlayStation mới là hệ thống console có nhiều JRPG hay nhất, nhưng thực tế chính SNES mới là mái nhà cho các phiên bản hay nhất của những thương hiệu JRPG hay nhất trong lịch sử. Nếu không có sự thành công vang dội trên SNES, chắc chắn nhiều cái tên sẽ chẳng sống nổi đến đời PlayStation.

 

26 năm về trước, Super Nintendo Entertainment System (SNES) chính thức ra mắt cộng đồng game thủ thế giới. Ngay lập tức, nó trở thành hệ máy chơi game nổi đình nổi đám nhất thời bấy giờ, hầu hết là nhờ vào sức hút quá lớn của NES ra mắt 5 năm trước đó. Thế nhưng trong mắt nhiều game thủ Việt, SNES cùng hàng loạt những game tuyệt đỉnh ở thời kỳ của nó như "Đua xe Harley", "Đua xe thú" hay những phiên bản Final Fantasy huyền thoại chắc chắn sẽ là những kỷ niệm khó quên đối với bất kỳ ai trong số những game thủ 9x đời đầu.