Một thông tin gây xôn xao cho giới văn nghệ sỹ Sài Gòn - Gallery Tự Do chính thức đóng cửa từ ngày 31/12/2015. Tự Do không chỉ là điểm đến - chỗ dựa cho nhiều hoạ sỹ trẻ trong nước mà còn là nơi giao lưu nghệ thuật, điểm trưng bày tranh thu hút đông đảo những nhà sưu tập tranh từ khắp thế giới.

{keywords}

Vợ chồng ông Sơn bà Hà bên bức Bạch Đằng giang.

Buổi chiều ngày cuối cùng của năm 2015 chúng tôi có mặt trước Gallery Tự Do. Cánh cổng đóng im ỉm như nhà vắng chủ. Người mở cửa cho chúng tôi là bà Trần Thị Thu Hà - chủ nhân của Gallery.

Chỉ cho chúng tôi thấy căn phòng trống, bà bảo: “Tôi đang dọn dẹp. Có khi cả vài tuần nữa mới xong vì nhiều tranh quá. Lại ít có người làm nên cả 2 vợ chồng cứ loay hoay, hồi bày ra thì nghĩ đâu có nhiều tranh đến thế, giờ gom lại thấy cái gì cũng tiếc, cũng muốn giữ”.

Bà Hà người gốc Huế. Thời thiếu nữ bà không hề có khái niệm gì về hội họa. Lấy chồng rồi vào Sài Gòn mở tiệm bán hàng, bà Hà tưởng như cuộc đời sẽ trôi đi bình dị như bao người phụ nữ khác. Nhưng một cái duyên đã khiến cả 2 vợ chồng bà bỏ hết tất cả để đến với hội họa, đó là vào đầu năm 1989, khi đất nước bắt đầu mở cửa đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài.

Bà Hà nhớ lại: “Khi đó nhà tôi nằm mặt tiền đường Đồng Khởi, nơi có nhiều du khách đi ngang nên tôi tính sửa lại nhà để mở cửa hàng bán đồ mỹ nghệ. Nhưng vừa sửa chữa xong, chưa kịp khai trương thì hoạ sỹ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh) - một người bạn của gia đình tôi ngỏ ý muốn mượn một thời gian ngắn để trưng bày tranh của anh.

Thấy để nhà trống thì cho mượn vài bữa đâu có sao, nhưng thật không ngờ khi trưng bày, phòng tranh đã thu hút rất nhiều du khách đến xem và mua tranh. Sau đó vài họa sỹ khác cũng đánh tiếng muốn thuê nhà tôi để triển lãm tranh. Thấy cũng hợp lý nên chúng tôi bắt đầu với nghề triển lãm tranh từ đó”.

Thời điểm đó cả Việt Nam chưa có phòng tranh tư nhân nào nên các hoạ sỹ khắp trong nước đều tìm đến với Gallery Tự Do. Những nhà sưu tập ở nước ngoài muốn tìm hiểu hội hoạ Việt Nam cũng tìm đến đây. Gallery Tự Do đã trở thành điểm đến của đông đảo khách hàng, thậm chí nó còn có tên trong danh sách giới thiệu của các tour du lịch.

Từ tay ngang bước vào nghề trưng bày tranh, vợ chồng bà Hà đã phải vất vả rất nhiều. Không có kiến thức về hội hoạ, bà Hà đã phải tìm những hoạ sỹ đi trước để chỉ dẫn cũng như mày mò tìm những cuốn sách chuyên về hội hoạ để nghiên cứu, thẩm định tranh.

Còn ông Sơn chồng bà thì đi học nhiếp ảnh hội hoạ, học cách treo tranh, trưng bày tranh. Vừa làm vừa học hỏi, dần dần cả hai vợ chồng đã trở thành những người thạo nghề lúc nào không hay. Thú vị hơn, bà Hà đã trở thành hoạ sỹ, tranh của bà cũng được nhiều nhà sưu tập đánh giá cao, tìm đến để mua.

Thế nhưng quan trọng nhất là cả hai vợ chồng đã trở thành những người thẩm định tranh có tiếng tăm, Gallery Tự Do trở thành điểm đến có uy tín được giới hội hoạ trong và ngoài nước “mặc định” thừa nhận: Đã được triển lãm tại Tự Do coi như là đã thành công.

Là phòng tranh tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, gallery Tự Do đã thu hút hầu hết tất cả hoạ sỹ trong cả nước. Đặc biệt nhiều bức tranh của các nghệ sỹ nổi tiếng như Lưu Công Nhân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí… cũng được trưng bày tại Tự Do. Trong đó bức Trận Bạch Đằng của Nguyễn Gia Trí đã được trả giá tới 500 ngàn USD, còn có nhiều bức tranh khác được trả từ vài chục ngàn tới 100 ngàn USD.  

Những năm đầu 1990, có những lúc ở Tự Do vài ngày có 1 cuộc triển lãm. Gallery này còn tìm một hướng đi riêng: Đó là tìm đến với những họa sỹ chưa nổi để tìm kiếm nguồn tranh. Đa số đó đều là những họa sỹ nghèo, thậm chí có nhiều người không có đủ tiền để mua giấy bút, không có đủ điều kiện để tổ chức một cuộc triển lãm. Hai vợ chồng bà Hà trở thành những mạnh thường quân cho họ.

Bà Hà cho biết: “Gallery Tự Do luôn mở cửa với mọi hoạ sỹ, ai cảm thấy tranh mình có ấn tượng đều có thể đem tới chúng tôi…”. Ông Sơn kể: “Có nhiều hoạ sỹ nghèo thậm chí không có cả tiền để in catalogue giới thiệu hay là đơn giản chỉ chụp ảnh tranh họ cũng không đủ điều kiện. Tôi phải đích thân tới tận nơi vẽ tranh của họ để chụp giúp”.

Để tiết kiệm chi phí, nhiều cuộc triển lãm của các hoạ sỹ mới, vợ chồng bà Hà đều đứng ra làm mọi việc như thiết kế phòng tranh, in catalogue, giấy mời. Rồi sau đó hai vợ chồng lại phải đích thân thường trực ở phòng tranh để tiếp xúc với khách xem.

Bà Hà bảo: “Quản lý phòng tranh khó lắm chú à. Phải là người am hiểu hội hoạ, phải biết ngoại ngữ lại phải có duyên bán hàng. Kiếm người đa năng như thế rất khó nên toàn hai vợ chồng phải thay nhau trực ở phòng tranh. Rồi lại phải quản lý web nữa nên chúng tôi gần như không có thời gian nghỉ ngơi”.

Gần 30 năm duy trì Gallary Tự Do, bà Hà tự hào đã làm được một việc là làm cầu nối cho tranh Việt ra với thế giới. “Nghề này rất khó nói trước được gì. Chúng tôi xem tranh, thẩm định tranh bằng kinh nghiệm và cảm tính riêng.

Nhưng cũng có khi cảm tính của mình không như khách xem nên có những lần triển lãm cả vài tuần mà không có tranh nào bán được. Rồi cũng có lần để bán được 1 bức tranh cho một nhà sưu tập tại Mỹ, chúng tôi đã phải gửi thư tín nhiều lần và tính ra, chi phí còn cao hơn cả tiền lời bức tranh. Vì thế nếu vì lợi nhuận thì chắc chúng tôi sẽ không làm phòng tranh”.

Nói về việc dừng cuộc chơi, ông Sơn bảo: “Hiện rất nhiều Gallery mới hoạt động rất mạnh mẽ và chúng tôi muốn nhường sân chơi lại cho họ. Chúng tôi muốn nghỉ ngơi”. Bà Hà cho biết thêm, mấy năm gần đây, khi con cái đã định cư tại nước ngoài, hai vợ chồng bà phải đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam để điều hành phòng tranh. Bà Hà đã từng có ý định đóng cửa Gallery từ cách đây 5 năm nhưng vì lưu luyến mãi nên vẫn duy trì.

Bà Hà bảo: “Nhưng nay thì chính thức đóng cửa rồi chú ạ! Tuổi cao sức yếu, lại không có người giúp sức thì làm sao mà duy trì mãi được. Tôi chỉ tiếc là không tìm được người tâm huyết để chúng tôi có thể duy trì thương hiệu Gallery Tự Do. Thôi thì cứ tạm thời đóng cửa đã rồi sau này, có thể chúng tôi sẽ tìm cách khác để Gallery Tự Do hồi sinh. Giờ chúng tôi chỉ còn giữ Gallary Tự Do trên web thôi, hy vọng mọi người thông cảm”.

Chiều cuối năm, phòng tranh ngày nào giờ ngổn ngang những kệ những gói. Hàng ngàn bức tranh phải đóng gói để cất đi, để gửi trả lại các hoạ sỹ khắp Việt Nam. Hai vợ chồng già vẫn chưa được nghỉ ngơi. Cái nghiệp với hội hoạ dường như vẫn chưa buông tha họ.

    Kể từ ngày khởi đầu với cuộc triển của Họa Sĩ Rừng ngày 22/6/1989 đến nay, Gallery Tự Do sắp bước sang năm thứ 28. Phòng tranh đã tổ chức 197 cuộc triển lãm tranh và tượng  tại TP. Hồ Chí Minh và  17 cuộc triển lãm ở các nước: Thụy Điển, Hồng Kông, Úc, Bỉ, Mỹ, Singapore…

    Một trong những giao dịch cuối cùng của phòng tranh Tự Do là việc bàn giao bức hoạ Bạch Đằng giang cho một doanh nhân người Việt. Sáng 28/12/2015, Bạch Đằng giang đã về trú ngụ mới.  Bạch Đằng giang (còn gọi là Sát Thát) của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) là tác phẩm giá trị nhất tại Tự Do. Tác phẩm gồm 4 tấm, mỗi tấm có kích thước 220 cm x 75 cm, sơn mài, diễn tả không khí đánh giặc oai hùng trên sông Bạch Đằng.

Theo Tiền Phong