Ngày 20/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Cụ thể, quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế vùng và 1,85% cả nước...

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý 

Trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh

Tuy nhiên, ông Quý cũng nhìn nhận vẫn còn tồn tại, hạn chế, nhất là mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được. 

“Khát vọng đưa Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế vẫn luôn là mục tiêu trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà. Tỉnh Nghệ An rất mong muốn có một cơ chế và nguồn lực đủ mạnh, có tính đột phá cao để đưa tỉnh nhà tiến nhanh, tiến vượt trong giai đoạn mới”, Bí thư Nghệ An nói.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận, sau 10 năm thực hiện nghị quyết, Nghệ An đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, là nền tảng vững chắc, mở ra nhiều cơ hội, tạo đà để tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nút thắt, nhiều vấn đề, chưa có giải pháp hay, hữu hiệu để tháo gỡ trong quá trình phát triển.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng 

“Tôi muốn đặt câu hỏi, phải chăng “Nghệ An đi trước về sau” là câu nói đã trở thành sự thật, là thực tiễn đang diễn ra và chúng ta mặc nhiên chấp nhận điều đó?”, ông Nguyễn Xuân Thắng đặt vấn đề.

Ông Thắng trăn trở, một tỉnh “đi đầu, dậy trước” trong phong trào cách mạng, quê hương của Xô Viết – Nghệ Tĩnh, nhưng từ khi đổi mới đến nay vẫn luôn nằm trong top những tỉnh phải nhận điều chuyển trợ cấp ngân sách từ Trung ương và sau nhiều năm phấn đấu, GRDP bình quân đầu người mới chỉ đạt 2/3 mức trung bình của cả nước…

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những con số mục tiêu đề ra, người dân Nghệ An nghe nức lòng. Nghệ An xây dựng một số nền tảng để cất cánh thật sự nhưng đến nay mới chỉ là “nền tảng” nhưng “chưa cất cánh”. Những gì đạt được trong 10 năm qua là thành tích đáng nể nhưng chỉ mới “ta so với ta”, còn đứng trên phương diện quốc gia hầu như chưa đạt được.

Từ đó, ông Thiên đề nghị Trung ương phải tạo cơ hội và điều kiện cho Nghệ An bứt phá. Bản thân Nghệ An cũng phải đề xuất những cơ chế, chính sách vượt trội, giải pháp đột phá từ Trung ương và nỗ lực, quyết tâm cao để nắm lấy những cơ hội, vận hội triển khai hiệu quả, thực hiện hiệu quả sứ mệnh của mình.

Gỡ điểm nghẽn đường cao tốc, cảng biển, sân bay 

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vấn đề là làm thế nào cho người dân Nghệ An no đủ và giàu có theo mục tiêu đặt ra đến năm 2030 đạt mức thu nhập trung bình là no đủ, đến năm 2045 là giàu có. 

Mục tiêu nữa là tỉnh phải mạnh, tạo ra sức bật mới để Nghệ An mạnh lên, đến năm 2030 phải cân đối được ngân sách, nộp Trung ương, trở thành tỉnh công nghiệp bật lên. 

Muốn vậy phải có tầm nhìn các vùng kinh tế của Nghệ An; phải đưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào trong quá trình phát triển; phải đề cao xây dựng con người Nghệ An có ý chí làm giàu, vươn lên, tự lực tự cường phát triển.  

Ngoài ra, nguyên Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Nghệ An cần cơ chế gì phải đề xuất kịp thời, để thực hiện được mục tiêu dân giàu tỉnh mạnh, tránh rơi vào tình trạng có nghị quyết sớm nhưng hoàn thành các mục tiêu chậm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, điểm nghẽn của Nghệ An hiện nay là đường cao tốc, sân bay Vinh và cảng nước sâu đã nhận diện rõ. Vấn đề là làm thế nào để giải quyết thì còn phụ thuộc vào nguồn lực. 

Theo ông Huy, hiện nay do đầu tư công hạn hẹp, nếu tỉnh trông chờ vào đầu tư công trung hạn rất khó. Cho nên nguồn lực để làm là thu hút các nhà đầu tư và khai thác quỹ đất. Muốn nhà đầu tư vào thì phải chia sẻ rủi ro với họ, trong khi cơ chế chia sẻ rủi ro của mình còn nhiều vướng mắc, cần có hành lang pháp lý.

Thứ trưởng GTVT cam kết sẽ cùng Nghệ An tháo gỡ 3 điểm nghẽn này và khẳng định: “Làm được 3 việc này cơ sở hạ tầng sẽ tạo động lực cho tỉnh phát triển”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26) cho rằng, với bối cảnh mới, Nghệ An cần có một nghị quyết mới, phù hợp với phát triển địa phương, vùng và cả nước.

Các đại biểu đều thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới làm cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An.

Thu Hằng HP, Hà Sơn, Xuân An