Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em là Dự án số 8 trong 10 dự án thành phần giai đoạn I từ 2021 - 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới, hỗ trợ chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN.

Thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp ở Nghệ An đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành, tạo ra sự thay đổi về nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ đồng bào DTTS&MN.

Quỳ Hợp
Một buổi truyền thông xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).

Tại huyện Quỳ Hợp, để tạo thay đổi về cách nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức mọi mặt cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong đồng bào DTTS&MN, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách và các kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình cách thức tổ chức cuộc sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Hội đặc biệt chú trọng việc xây dựng các mô hình. Thực hiện kế hoạch năm 2023 đến cuối năm Hội LHPN huyện đã chỉ đạo ra mắt 5 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và tập huấn kỹ năng vận hành; chỉ đạo ra mắt 18 tổ truyền thông cộng đồng gắn với 18 cuộc truyền thông về thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới.

Tại huyện Quế Phong, các cấp Hội phụ nữ chú trọng truyền thông, nâng cao kiến thức mọi mặt cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; gắn với tổ chức các câu lạc bộ, mô hình, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tập hợp, thu hút cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia như câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo; mô hình “Chi hội 5 không, 3 sạch”; mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống…

Thông qua các hoạt động trên đã góp phần tạo bước thay đổi lớn về nhận thức, tư duy và hành động trong cán bộ, hội viên, phụ nữ. Nhiều phụ nữ DTTS&MN đã biết sắp xếp cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời tích cực tham gia các phong trào xã hội, nổi bật là tham gia vệ sinh môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá của đồng bào, bảo vệ an ninh biên giới.

Nhiều kết quả tích cực

Theo bà Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nghệ An, triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, thời gian qua, toàn tỉnh đã thành lập 257 Tổ truyền thông cộng đồng; 28 địa chỉ tin cậy; 31 câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi và 30 cuộc đối thoại chính sách… 

Thông qua các hoạt động vừa xây dựng mối quan hệ, tạo ra sự gắn kết giữa cán bộ Hội các cấp với hội viên, phụ nữ, đồng thời giải quyết một số vấn đề chung của phụ nữ DTTS&MN, nhất là định kiến giới; bạo lực gia đình; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS&MN phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được các cấp Hội chú trọng. 

Tính từ năm 2022 đến tháng 9/2024, đã thành lập 5 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Phụ nữ làm chủ. Đồng thời hỗ trợ, xây dựng nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ các gia đình do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, cận nghèo và hỗ trợ phụ nữ DTTS&MN khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS&MN tại các địa phương.