Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cùng với việc ban hành các nghị quyết, chuyên đề, bố trí các nguồn lực kinh phí thì huyện Quỳ Hợp chú trọng thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đã tham mưu cho UBND huyện ký hợp đồng khai thác Thư viện pháp luật điện tử, dung lượng 30 tài khoản online và cấp cho toàn bộ cán bộ, công chức từ huyện đến cấp xã để khai thác, sử dụng.

Với tính năng ưu việt của Thư viện pháp luật, nhất là nhận biết về hiệu lực của văn bản; các đường link dẫn chiếu sang các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản liên quan… đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Một buổi tập huấn tuyên truyền pháp luật ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.

Cùng với đó, Phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp đã lập Fanpage “Tư pháp Quỳ Hợp” để phổ biến, giáo dục pháp luật và mang lại hiệu quả khả quan. Nội dung phổ biến được chắt lọc từ 2 nguồn. Một là các vấn đề phát sinh thực tế trên địa bàn mà người dân có kiến nghị, đề xuất, thắc mắc… cần có các cơ sở pháp lý để giải quyết như tranh chấp đất đai, thủ tục hành chính, dân sự, khoáng sản, môi trường, giao thông. Hai là khai thác các văn bản mới, thông tin mới… trên Thư viện pháp luật điện tử.

Để lan tỏa thông tin, Phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp còn lập các trang Facebook vệ tinh, sau khi các nội dung được đăng tải lên trang Tư pháp Quỳ Hợp thì dùng các trang Facebook này để chia sẻ, mở rộng thông tin.

Còn tại huyện Diễn Châu, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua mạng xã hội và đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. 

Đặc biệt là trang Fanpage “Tư pháp Diễn Châu” do Phòng Tư pháp (Cơ quan Thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện) lập từ tháng 11/2019 đến nay đã thu hút 21.724 người theo dõi. Mỗi bài viết được đăng tải trên Fanpage đều được đầu tư công phu từ việc lựa chọn, biên soạn nội dung, hình ảnh, chủ đề đến cách thức thể hiện nên đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của người xem.

Được biết, thời gian qua, Phòng Tư pháp huyện Diễn Châu cũng đã tổ chức được 3 cuộc thi mini game trên trang Fanpage “Tư pháp Diễn Châu” với 1 - 2 câu hỏi ngắn gọn, có trao thưởng cho người trả lời đúng thu hút đông đảo cán bộ, người dân tham gia.

Từ năm 2022, Phòng cũng đã đề xuất được cấp tài khoản để trực tiếp phụ trách chuyên mục “Phổ biến pháp luật”, “Tiếp cận thông tin” trên Cổng thông tin điện tử của huyện. Các chuyên mục thường xuyên đăng tải tin, bài viết với mục đích phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là thông tin pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ công dân, những vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, hiện nay, toàn huyện Diễn Châu có 223 trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook do các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và cấp xã lập (cấp huyện 36 trang, cấp xã 187 trang), nhiều trang hoạt động rất tích cực và hiệu quả. 

Tất cả các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều sử dụng nhóm Zalo để trao đổi, thông tin, tư vấn hướng dẫn pháp luật, chỉ đạo, quán triệt triển khai văn bản pháp luật mới. Do đó bảo đảm thông tin được triển khai kịp thời, thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn tài liệu.

Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về “đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp với nhu cầu của xã hội và của nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”, việc tuyên truyền pháp luật thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook) đã được một số ngành, địa phương của tỉnh Nghệ An khai thác có hiệu quả.

Điển hình như Sở Tư pháp Nghệ An đã đầu tư nâng cấp Cổng thông tin điện tử của sở để phục vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã cũng đã xây dựng cổng, trang thông tin điện tử, trong đó có chuyên mục về tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều nội dung phong phú, chú trọng đổi mới hình thức cung cấp, đăng tải thông tin, tra cứu pháp luật…

Ông Lê Bá Thiệu, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Nghệ An cho hay, để chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả, các ngành, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt hoàn thành mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. 

Bên cạnh đó, cần có những nền tảng phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp cho từng đối tượng phù hợp. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là ở cấp xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hình thành thói quen tìm hiểu thông tin pháp luật qua các nền tảng số do cơ quan Nhà nước cung cấp trong nhân dân.

Lê Thanh Hùng, Trần Thị Huệ, Nguyễn Thị Vân Anh 

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV