UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 914/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch được ban hành nhằm chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng ít hơn hoặc sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi; cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề. Từng bước giảm dần tàu cá sử dụng nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, hàng năm cắt giảm tối thiểu 1,5% đối với tàu hoạt động vùng khơi; 4-5% đối với tàu vùng lộng, vùng ven bờ.
Mục tiêu đến năm 2025, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân và phát huy vai trò của các Tổ đồng quản lý, cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Phấn đấu đến ngày 31/12/2025, cắt giảm được 184 tàu cá đang hoạt động so với thời điểm 1/1/2023, còn lại 3.209 chiếc, trong đó cắt giảm tàu cá hoạt động vùng khơi 40 chiếc, còn lại 1.101 chiếc; cắt giảm tàu cá hoạt động vùng lộng, vùng ven bờ 144 chiếc, còn lại 2.108 chiếc. Khảo sát, xây dựng các mô hình chuyển đổi từ lưới kéo sang các nghề câu, rê có tính chọn lọc cao phù hợp với điều kiện thực tế nghề cá Nghệ An đảm bảo hiệu quả, bền vững.
Đến ngày 31/12/2030, cắt giảm được 672 tàu cá đang hoạt động so với thời điểm 31/12/2025, còn lại 2.537 chiếc, trong đó cắt giảm tàu cá hoạt động vùng khơi 96 chiếc, còn lại 1.005 chiếc; cắt giảm tàu cá hoạt động vùng lộng, vùng ven bờ 576 chiếc, còn lại 1.532 chiếc. Chuyển đổi 20 tàu làm nghề lưới kéo khai thác vùng khơi sang nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần, lưới rê (trừ rê thu ngừ); chuyển đổi 100 tàu khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm khai thác hải sản sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, các nghề kinh tế khác…
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Thực hiện, sửa đổi, bổ sung Quy định tiêu chí đặc thù về cấp văn bản chấp thuận thuê, mua, cải hoán, đóng mới tàu cá theo hướng giảm nghề khai thác ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, tiêu tốn nhiều nhiên liệu sang nghề khai thác chọn lọc, tiêu tốn ít nhiên liệu; hạn chế mua tàu cá từ ngoại tỉnh đối với tàu đã cũ (trên 10 năm), làm nghề có ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản. Hằng năm, tiến hành rà soát thống kê số lượng tàu cá (trong đó chú trọng điều tra tàu cá làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ) trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với đó, khảo sát nhu cầu chuyển đổi nghề từ nghề khai thác hải sản xâm hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản (lưới kéo) sang các nghề có tính chọn lọc cao phù hợp với điều kiện thực tế nghề khai thác hải sản tại Nghệ An, đảm bảo hiệu quả, bền vững. Triển khai các đề tài ứng dụng khoa học, điều tra về các loài thủy sản, hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài hải sản, tổ chức quản lý khu vực có hệ sinh thái đa dạng.
Trong bối cảnh nghề khai thác hải sản ngày càng kém hiệu quả, nhiều rủi ro, ngư dân vùng ven biển Nghệ An đang tìm hướng chuyển nghề là cần thiết. Các địa phương cũng đang tích cực hỗ trợ người dân tái cơ cấu ngành nghề theo hướng giảm tỷ trọng nghề đánh bắt. Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều ngư dân mong muốn có chính sách hỗ trợ lãi suất cho ngư dân vay xuất khẩu lao động cũng như tỉnh thu hút được các dự án đầu tư lớn về địa phương để tạo việc làm cho ngư dân các vùng ven biển.