XEM CLIP:
Liên quan đến vấn đề số lượng bò hỗ trợ thuộc đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 – 2025, mới đây, UBND xã Nga My đã có số liệu thống kê cụ thể con giống trên địa bàn.
Người dân bán 92 con bò của dự án hỗ trợ
Ông Lô Văn Viên, công chức địa chính - nông nghiệp xã Nga My (huyện Tương Dương) cho biết, 77 hộ dân bản Văng Môn được hỗ trợ tổng cộng 304 con bò giống, hiện tại 25 con bị chết và 92 con bán ra khỏi địa bàn.
“Số lượng bò sụt giảm khá nhiều. Thống kê tại thời điểm tháng 10/2022, bản Văng Môn còn 229 con nhưng nay chỉ còn 168 con”, ông Viên thông tin.
Lý giải về số lượng bò hỗ trợ giảm sút nghiêm trọng, ông Viên cho biết, thời điểm nhận bò hỗ trợ, nguồn thức ăn chính là cỏ chưa phát triển, thêm vào đó là ảnh hưởng của không khí lạnh, rét đậm, rét hại kéo dài.
Đề cập tới việc mỗi hộ dân được Nhà nước hỗ trợ cùng lúc 4 con bò, ông Viên nhận định là chưa hợp lý.
“Cùng lúc được nhận nhiều bò nhưng nguồn thức ăn không đủ đáp ứng, bò nhanh chóng sụt cân, bà con lo lắng nên đem bán. Một số hộ khác lần đầu nuôi bò, chưa có kinh nghiệm chăm sóc. Đáng lẽ ra phải chia thành 2 đợt nhận nuôi, mỗi đợt cách nhau 6 tháng”, ông Viên lý giải trước thực trạng đàn bò hụt dần.
Được biết, mỗi con bò của dự án hỗ trợ cho người dân ở bản Văng Môn trị giá 15 triệu đồng. Tuy nhiên, người dân ở đây bán bò lại cho thương lái chỉ từ 5 - 8 triệu đồng/con.
Chuồng bò cũng bị bán giá rẻ
Theo ghi nhận của PV, nhiều chuồng ở bản Văng Môn hiện nay không còn bò để nuôi. Một số chuồng đã được người dân bán lại cho các hộ dân lấy vật liệu làm mái tôn che chắn trước hiên nhà.
Biết tin người dân trong bản bán phần mái tôn chuồng bò, chị Lo Văn Thủy (SN 1985, trú bản Văng Môn) ngỏ ý mua lại lợp mái hiên. Theo chị Thuỷ, hai bên thỏa thuận, thống nhất bán phần mái tôn chuồng bò với giá 5,8 triệu đồng.
Gia đình chị Thủy đã nhờ người dùng máy cắt, tháo dỡ phần khung của chuồng bò về gò hàn làm mái hiên.
Trưởng bản Văng Môn (xã Nga My) Lương Lan cho biết, có nhiều hộ dân đã bán chuồng bò cùng nhiều thiết bị như hệ thống bạt cuốn, máy cắt thức ăn, thùng phi chứa nước.
“Chuồng bò được hỗ trợ xây dựng cả trăm triệu đồng nay chỉ còn lại 2 bức tường, nhiều hộ cũng bán phần mái tôn hoặc tháo dỡ để tận dụng vào việc khác”, bà Lan xót xa nói.
Theo thống kê của UBND xã Nga My, có 7 hộ dân tháo dỡ phần mái chuồng bò chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc bán lại cho các hộ dân khác trong bản. Ngoài ra, có 6 chuồng bò khác đang bị bỏ hoang.
Trước đó, theo chủ trương của tỉnh Nghệ An, năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã xây 67 chuồng trại cho 77 hộ dân với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng.
Trong đó, có 4 chuồng loại 1 giá 127 triệu đồng/chuồng (tổng 508 triệu đồng), 10 chuồng loại 2 giá 236 triệu đồng/chuồng (tổng 2,36 tỷ đồng), 53 chuồng loại 3 giá hơn 136 triệu đồng/chuồng (tổng 7,24 tỷ đồng).
Chuồng bò diện tích 60m2, được xây bằng gạch không nung, trát xi măng, lợp tôn chống nóng. Trước và sau có hệ thống bạt cuốn để che lạnh vào mùa đông.
Phần nền nhà bằng bê tông, phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn, nước uống xây bằng gạch, đổ vát bằng bê tông, láng hoàn thiện.
Cửa chuồng kích thước 1,1 x 1,2m làm bằng thép ống mạ kẽm, phía trên làm giá đựng thức ăn khô và dụng cụ bằng khung thép B40, trên mái lợp tôn chống nóng dày 0,4mm.
Kỳ cuối: Nghệ An kiểm tra, đánh giá lại dự án 'hỗ trợ chuồng, bò giống' bị bán rẻ