Giáo viên tiểu học lập tài khoản theo yêu cầu của kẻ giả danh công an, để rồi mất hơn 3 tỷ đồng. Vị giáo sư 83 tuổi cũng để mất 750 triệu.
Lời tòa soạn:
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tăng mạnh, hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có những cảnh báo liên tục, khuyến cáo không ngừng, nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng.
VietNamNet mở tuyến bài "Cảnh báo lừa đảo trực tuyến" nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm các thông tin và trang bị kỹ năng, kiến thức để không trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm mới này.
Yêu cầu mở tài khoản ngân hàng, nạp tiền, gửi link lạ cho truy cập
Bà C.Đ.T.H. (SN 1979, giáo viên một trường tiểu học ở Nam Định) kể lại: “Vào cuối tháng 3/2023, tôi nhận được cuộc gọi của người tự xưng là công an. Người này nói tôi tham gia vào đường dây buôn bán người qua Campuchia. Nghe vậy, tôi khẳng định là không có chuyện đó".
Tuy nhiên, người tự xưng là công an này nói, để chứng tỏ không vi phạm, bà phải chứng minh tài chính. Họ yêu cầu bà ra ngân hàng lập tài khoản mới. Sau khi lập xong, người tự xưng là công an tiếp tục yêu cầu gửi các thông tin qua zalo và truy cập vào đường link họ gửi. Đường link này có logo Bộ Công an như thật, để khai thông tin tên tuổi, số tài khoản, mã OTP.
Trong 4 ngày sau đó, người giả danh công an này liên tục gọi điện và yêu cầu làm theo các hướng dẫn, huy động số tiền lớn gửi vào tài khoản mới mở.
"Họ nói rằng, sau khi công an vào cuộc sẽ dỡ phong tỏa tài khoản”, bà C.Đ.T.H. kể.
Vì nghĩ tiền vẫn để trong tài khoản và không mất, trong vòng 4 ngày, bà đã rút hết tiền tiết kiệm, vay gia đình bạn bè lên đến hơn 3 tỷ đồng gửi vào tài khoản mới mở.
“Không chỉ có vậy, người tự xưng công an liên tục nhắc tôi không được kể cho bất kỳ ai vì sẽ ảnh hưởng đến chuyên án điều tra. Đến khi chuyện vay mọi người quá nhiều vỡ ra, người thân truy hỏi và tôi mới kể. Lúc này người nhà vào tài khoản thì số dư hơn 3 tỷ không cánh mà bay, tất cả mất hết. Không hiểu sao lúc đó tôi mụ mị như vậy”, bà H. nói.
Kẻ giả danh nã điện thoại liên tục, yêu cầu tham gia phá án
Một trường hợp khác là giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, nhưng tuổi đã cao, khi bị kẻ giả danh gọi điện thoại, thao túng tâm lý, cũng đã mắc bẫy lừa mất tài sản.
Giáo sư T.H.Q. (83 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) kể: “Vào ngày 18/3/2022, tôi nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là Trung úy Hoàng Văn Tuân, hiệu sĩ quan 1053...".
Trao đổi qua điện thoại, người này xưng đơn vị công tác ở Đội 6 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm (Công an Đà Nẵng), nói rằng ông đã có mặt trên chiếc ô tô gây tai nạn tại thành phố này, yêu cầu có mặt để điều tra vụ án.
Cũng theo lời giáo sư T.H.Q., lúc nhận thông tin, ông thấy sửng sốt vì những năm gần đây không đi Đà Nẵng. Đây cũng là thời gian ông rất bận vì phải chủ trì một hội nghị toàn quốc. Trao đổi điện thoại, người tự xưng là Trung úy Hoàng Văn Tuân còn nói sẽ có cán bộ tên Huỳnh Đức Thơ hướng dẫn tiếp.
Kế hoạch lừa giáo sư T.H.Q. rất bài bản. Sau đó, một người tự xưng tên là Huỳnh Đức Thơ liên tục gọi điện cho giáo sư T.H.Q để dọa nạt, nói đây là vụ án nghiêm trọng, yêu cầu ông phối hợp điều tra. Người này thông báo, nếu giáo sư T.H.Q. muốn tại ngoại, cần nộp 300 triệu đồng.
Từ những cuộc điện thoại liên tục, đối tượng tự xưng tên Huỳnh Đức Thơ yêu cầu giáo sư T.H.Q. mở tài khoản cá nhân và chuyển tiền vào.
“Do thời điểm đó tôi đang bị áp lực tâm lý nên đã rút toàn bộ tiền tiết kiệm gồm 420 triệu để nộp vào tài khoản. Trong tài khoản có 30 triệu, tổng là 450 triệu. Sau đó tôi còn đi vay tiếp 300 triệu để nộp vào tài khoản.
Chúng hướng dẫn từng bước để yêu cầu tôi chuyển mã số OTP, rồi tiếp tục dọa nạt, yêu cầu tôi phải liên tục mở điện thoại để cùng tham gia phá án, bắt kẻ chủ mưu. Có ngày chúng gọi tới 120 cuộc điện thoại”, giáo sư T.H.Q. kể.
Sau vụ việc, ông T.H.Q. làm đơn trình báo gửi Công an TP Hà Nội, tố giác các đối tượng. Nhưng vụ án đang tạm đình chỉ điều tra vì chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo.
Công an không điều tra qua điện thoại
Theo Bộ Công an, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều, có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Các đối tượng sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan công an, viện kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của viện kiểm sát.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Đồng thời, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thường yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích để nạn nhân không có đủ thời gian kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan công an.
Trước thực trạng trên, Bộ Công an khẳng định: Cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan công an muốn làm việc. Bộ Công an khẳng định, tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Bài 2: Chiêu trò lừa giả làm nhân viên ngân hàng tuyển xử lý đơn hàng