Người thầy tâm huyết với học sinh
Tại trường THPT Hòa Tú (ấp Hòa Phuông, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), các em học sinh không còn xa lạ với hình ảnh người thầy đến từng nhà vận động trò nhỏ, luôn có mặt trong tất cả các hoạt động, phong trào của nhà trường. Đó là thầy Lý Thường Kiệt (sinh năm 1986), có 12 năm công tác tại THPT Hòa Tú.
Tiền lương giáo viên của thầy Kiệt cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình 5 thành viên. Để gia tăng thu nhập, gia đình còn trồng thêm lúa và chăn nuôi bò. Cuộc sống dù vất vả, nhưng niềm đam mê với nghề, sự tận tâm của người thầy chưa bao giờ vơi đi.
Thầy Kiệt còn là Bí thư Đoàn thanh niên tại ngôi trường đang công tác nên rất gắn bó với học sinh. Thầy cho biết, với những trường hợp học sinh cá biệt, ngỗ nghịch, thầy phải kết hợp với giáo viên chủ nhiệm để khuyên nhủ, giúp các em thay đổi tích cực. Đồng thời, với thầy, thời gian công tác đoàn cũng là quãng thời gian để bản thân có thể gắn kết, gần gũi với các em học sinh hơn nữa.
Cùng với đó, thầy Kiệt còn thường xuyên vận động giáo viên, học sinh, mạnh thường quân hỗ trợ cho các em học sinh khó khăn. Thầy mong mỏi các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thể vượt qua trở ngại trong cuộc sống, vững bước đến trường.
Thầy Kiệt chia sẻ, được đứng trên bục giảng chính là ước mơ từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Ước mơ, tình yêu ấy chính là động lực để thầy giáo tiếp tục công việc.
Không có ghế ngồi, giáo viên đứng suốt buổi vẫn thấy hạnh phúc
32 năm công tác trong nghề giáo, cô Nguyễn Thị Bá (sinh năm 1969) đang công tác tại Trường THCS Lê Quốc Việt, Tiền Giang.
Cô chia sẻ, điểm đặc biệt trong thời gian làm việc là cứ mỗi lần trong khu vực mở điểm trường mới, cô chính là người được cử đi để “khai hoang” và “trồng người”. Có những điểm trường thuở ban đầu khó khăn, thiếu thốn đến mức không có ghế cho giáo viên ngồi. Nhưng cô Bá tâm niệm, dù thế nào luôn thấy hạnh phúc khi đứng trên bục giảng.
Nhìn lại những lần đến điểm trường mới, cô không khỏi bồi hồi. Năm 2008, cô Bá công tác tại trường THCS Lê Quốc Việt được tách ra từ trường THCS Tân Tây. Lúc này, cô nắm giữ vai trò tổ trưởng của tổ ghép nhiều bộ môn (Tổ Xã hội gồm: Ngữ văn - Tiếng Anh - Lịch sử - Âm nhạc - Mĩ thuật - Thể dục). Để hoàn thành sứ mệnh, cô Bá nghiên cứu kiến thức và phương pháp dạy học các môn mà mình quản lý qua nhiều tài liệu và qua các giáo viên cốt cán trong huyện.
Cô chia sẻ: “Nhìn các em lớn khôn từng ngày, hiểu chuyện và thành đạt, không vui sao được! Chỉ những ai đã và đang đứng trên bục giảng thì mới cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự cao quý quá đỗi của nghề dạy học”.
Năm 2022, thầy Kiệt và cô Bá là 2 trong 68 giáo viên ưu tú được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Chương trình do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Sau hành trình 8 năm đồng hành với những “người lái đò” qua chương trình, tập đoàn Thiên Long muốn chia sẻ cùng các thầy cô để họ có thêm động lực và niềm tin để tiếp tục đứng trên bục giảng, gửi trao tri thức. Hoạt động thăm thầy cô diễn ra từ ngày 19-26/10 tại các tỉnh Yên Bái, Nghệ An, Tiền Giang, Sóc Trăng. Dịp này, Thiên Long và công ty PEGA cũng gửi tặng nhiều đầu sách hay cho học sinh, khuyến khích các em “Đọc tri thức - Viết sẻ chia - Vẽ tâm hồn”. Ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc truyền thông và đối ngoại, Tập đoàn Thiên Long cho biết: “Qua những chuyến thăm, Thiên Long có cơ hội gặp gỡ và thấu hiểu câu chuyện của các thầy, các cô. Dù chỉ là “khách” và đến rồi đi trong vài ngày, nhưng những chuyến đi như vậy là điều khó quên trong đời… Càng đi, chúng tôi càng khâm phục thầy cô”. |
Huỳnh Như